Trong các buổi phỏng vấn xin việc hiện nay, không chỉ có nhà tuyển dụng đưa ra câu hỏi cho ứng viên mà ngược lại ứng viên cũng có quyền đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng để giải đáp các thắc mắc liên quan đến công việc, công ty hoặc một số phúc lợi khi làm việc. Bài viết sau của Mua Bán sẽ giúp bạn tổng hợp 30+ câu hỏi cho nhà tuyển dụng phù hợp và ấn tượng nhất. Cùng theo dõi nhé!
I. Tại sao nên đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn?
Bên cạnh những cách gây ấn tượng với nhà tuyển dụng khi đi phỏng vấn như: Viết CV chỉn chu, chuyên nghiệp, trả lời câu hỏi một cách hợp lý, tự tin,… ứng viên cũng nên biết cách đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng. Điều này không chỉ giúp bạn thể hiện sự quan tâm đến công việc và công ty, mà còn đánh giá được mức độ phù hợp của bạn đối với vị trí ứng tuyển.
Ngoài ra, điều này còn hữu ích với ứng viên trong việc:
- Hiểu hơn về văn hóa, quy định tại công ty và cách mà công ty vận hành.
- Nắm bắt một cách cụ thể và chi tiết về đặc thù công việc.
- Thể hiện bạn thật sự mong muốn được ứng tuyển vào vị trí đó.
Dưới đây là các tin đăng tuyển dụng việc làm mới nhất tại Muaban.net mà bạn có thể tham khảo để ứng tuyển:
II. Cách gây ấn tượng khi đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng
Trong quá trình đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng, ứng viên nên lưu ý một số vấn đề sau đây để làm nổi bật sự chuyên nghiệp của bản thân.
1. Thể hiện thái độ lịch sự, chân thành, dùng từ nhã nhặn
Thái độ lịch sự, chân thành là yếu tố quan trọng đầu tiên mà bạn cần thể hiện khi đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng. Trong quá trình trao đổi bạn nên nhìn thẳng vào mắt họ, cho thấy sự tập trung và sự tự tin của bạn.
Bên cạnh đó khi đặt câu hỏi, bạn cần sử dụng ngôn ngữ lịch sự, nhã nhặn, tránh dùng từ khiếm nhã gây mất lòng với nhà tuyển dụng. Ví dụ, bạn có thể bắt đầu câu hỏi bằng các cụm từ như:
- Thưa anh/chị,…
- Tôi có một thắc mắc mong anh/chị giải đáp,…
- Tôi rất mong được anh/chị giải thích thêm thông tin về…
Xem thêm: 30+ Các câu hỏi phỏng vấn xin việc và cách trả lời thông minh
2. Hỏi đúng trọng tâm
Ứng viên nên chuẩn bị sẵn một số câu hỏi trước khi bước vào buổi phỏng vấn. Những câu hỏi này cần liên quan đến vị trí ứng tuyển, công ty và văn hóa doanh nghiệp. Tránh hỏi những câu hỏi quá chung chung, không có trọng tâm hoặc những câu hỏi mang tính cá nhân. Bên cạnh đó, khi đặt câu hỏi phỏng vấn, hãy sử dụng từ ngữ rõ ràng, dễ hiểu. Tránh dùng những từ ngữ quá chuyên ngành hoặc những câu hỏi quá dài dòng, khó hiểu.
3. Thể hiện sự thông minh và nhạy bén trong câu hỏi
Những câu hỏi thông minh và nhạy bén sẽ thể hiện sự hiểu biết của bạn về công ty và vị trí ứng tuyển. Đồng thời, nó cũng cho thấy bạn là một ứng viên có tư duy logic và khả năng phân tích vấn đề tốt.
Xem thêm: Cách trả lời phỏng vấn: Vì sao bạn muốn ứng tuyển vị trí này?
4. Không đặt dạng câu hỏi có hoặc không
Những câu hỏi dạng có hoặc không thường mang tính chất đóng, không thể hiện được sự quan tâm và suy nghĩ của ứng viên. Vì vậy, bạn nên đặt những câu hỏi dạng mở, cho phép nhà tuyển dụng có thể chia sẻ nhiều thông tin hơn.
Ví dụ thay vì hỏi “Công ty có chương trình đào tạo nhân viên mới không?”, bạn hãy hỏi “Hiện tại công ty có những chương trình đào tạo nhân viên mới như thế nào?” để khai thác thông tin từ nhà tuyển dụng đồng thời thể hiện sự chuyên nghiệp trong cách đặt câu hỏi của bạn.
5. Câu hỏi nên liên quan đến công việc và doanh nghiệp
Vì đây là buổi phỏng vấn xin việc nên những câu hỏi liên quan đến công việc và doanh nghiệp sẽ cho thấy sự quan tâm của bạn đối với vị trí ứng tuyển. Chính vì vậy, bạn nên dành thời gian nghiên cứu thông tin về công ty cũng như những yêu cầu của công việc trước khi bước vào buổi phỏng vấn để có thể đặt những câu hỏi phù hợp nhất.
6. Chú ý lắng nghe câu trả lời
Khi nhà tuyển dụng trả lời câu hỏi của bạn, hãy chú ý lắng nghe để thể hiện sự tôn trọng của bạn đối với nhà tuyển dụng và giúp bạn hiểu rõ hơn về công ty và vị trí ứng tuyển. Trong trường hợp, những chia sẻ của nhà tuyển dụng thuộc nội dung mà bạn đã biết thì bạn cũng không nên ngắt lời, mà hãy tập trung lắng nghe để đặt những câu hỏi khác có liên quan.
7. Bày tỏ sự cảm ơn sau khi được giải đáp
Trước khi kết thúc buổi phỏng vấn, bạn đừng quên gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến nhà tuyển dụng để bày tỏ sự biết ơn và thái độ lịch sự, chân thành của mình. Đồng thời, bạn có thể gửi đến họ lời chúc sức khỏe hoặc chúc công ty làm ăn phát đạt và thành công.
Xem thêm: Cách giới thiệu bản thân khi phỏng vấn chinh phục nhà tuyển dụng
III. Danh sách câu hỏi giúp ứng viên ghi điểm với nhà tuyển dụng
Dưới đây Mua Bán đã giúp ứng viên tổng hợp và chọn lọc những câu hỏi có thể gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Bạn hãy tham khảo và chọn ra câu hỏi phù hợp với vị trí ứng tuyển của mình nhất nhé!
1. Câu hỏi liên quan đến vị trí ứng tuyển và công việc
Mục đích:
- Cho nhà tuyển dụng thấy được sự quan tâm và mong muốn được ứng tuyển vào vị trí đó của ứng viên.
- Tìm hiểu kỹ hơn những yêu cầu trong công việc (nhiệm vụ, KPI,..) để biết bản thân cần làm gì hoặc trau dồi thêm kỹ năng gì để hoàn thành tốt công việc.
Một số câu hỏi mẫu:
- Anh/chị có thể cho tôi biết thêm về yêu cầu của công việc chưa được nhắc đến trong JD không?
- Nếu được nhận, tôi sẽ thử việc trong khoảng mấy tháng thì có thể lên vị trí chính thức?
- Cho tôi hỏi về lộ trình thăng tiến của vị trí này diễn ra như thế nào?
- Anh/chị có thể cho tôi biết những nhiệm vụ cần thực hiện trong quá trình thử việc là gì không?
- Công ty có những yêu cầu như thế nào đối với nhân viên thử việc?
- Mục tiêu của công ty đối với vị trí này trong tương lai là gì?
- Công ty có những chương trình đào tạo và phát triển nhân viên cho vị trí này như thế nào?
- Hình thức làm việc của vị trí này là cố định hay có thể linh hoạt?
- Anh/chị có thể cho tôi biết người quản lý trực tiếp của vị trí này là ai không?
- Nếu làm việc tại vị trí này tôi sẽ phối hợp với phòng ban hoặc team nào?
- Anh/chị cho tôi hỏi về quy trình làm việc cơ bản của vị trí này diễn ra như thế nào?
- Đối với công việc này, công ty bắt buộc làm việc nhóm hay làm việc độc lập?
- Tiêu chí để đánh giá hiệu quả của công việc này là như thế nào?
- Công ty quy định thời gian làm việc của vị trí này như thế nào?
- Công việc này có thường xuyên tăng ca hay đi công tác xa không?
- Anh/chị có thể cho tôi một vài ví dụ về những dự án mà nhân viên tại vị trí này sẽ thực hiện không?
- Bên cạnh những yêu cầu trong JD, công ty đang tìm kiếm ứng viên có những kinh nghiệm và chuyên môn như thế nào?
2. Câu hỏi về công ty hoặc các phòng ban
Mục đích:
- Tìm hiểu về văn hóa làm việc và quy định của công ty.
- Biết được thông tin về tổng quan cơ cấu tổ chức, các phòng ban.
- Hiểu được thế mạnh và hạn chế của doanh nghiệp.
Một số câu hỏi mẫu:
- Anh/chị có thể cho tôi biết thêm về thời gian làm việc của công ty không?
- Bên cạnh những thông tin cơ bản trên website, anh/chị có thể chia sẻ cho tôi biết thêm về văn hóa làm việc của công ty không?
- Mục tiêu phát triển của công ty trong thời gian 5-10 năm tới như thế nào?
- Kế hoạch phát triển của công ty đối với phòng ban này là như thế nào?
- Công ty hiện tại đang làm việc theo giá trị cốt lõi nào?
- Trong thời gian làm việc tại công ty, anh/chị có cảm nhận như thế nào về văn hóa làm việc cũng như phúc lợi ở đây?
- Điều gì khiến anh/chị muốn gắn bó lâu dài tại công ty?
Xem thêm: Kinh nghiệm phỏng vấn đắt giá, ghi điểm nhà tuyển dụng
3. Câu hỏi thêm liên quan đến bản thân
Mục đích:
- Hiểu được những yêu cầu của công ty đối với ứng viên.
- Biết được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân để phát triển và cải thiện.
Một số câu hỏi mẫu:
- Trong quá trình trao đổi vừa rồi, anh/chị cảm thấy tôi đã đáp ứng hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu nào đối với vị trí này?
- Anh/chị có thể cho tôi biết cảm nhận của anh/chị về những kỹ năng và kinh nghiệm của tôi không?
- Theo anh/chị tôi nên cải thiện kỹ năng nào để phù hợp với công việc này?
- Theo anh/chị những kinh nghiệm và bằng cấp của tôi có đáp ứng được yêu cầu đối với công việc này không?
4. Câu hỏi về quy trình tuyển dụng
Mục đích:
- Xác định được thời gian biết kết quả phỏng vấn.
- Biết được thời gian bắt đầu làm việc nếu được trúng tuyển.
Một số câu hỏi mẫu:
- Anh/chị cho tôi hỏi về quy trình tiếp theo của buổi phỏng vấn này diễn ra như thế nào?
- Khi nào tôi có thể nhận được kết quả của buổi phỏng vấn này?
- Tôi sẽ cần liên hệ với ai hoặc phòng ban nào để biết về thông tin sau khi phỏng vấn?
- Công ty sẽ gửi mail hay gọi điện thoại để thông báo kết quả phỏng vấn?
- Nếu được trúng tuyển thì tôi sẽ bắt đầu làm việc khi nào?
- Nếu đậu phỏng vấn tôi sẽ phải thử việc trong thời gian bao lâu?
- Nếu tôi được nhận thì tôi có cần chuẩn bị những giấy tờ hay hồ sơ gì không?
Nếu bạn đang tìm kiếm việc làm thêm vào dịp Tết sắp tới thì có thể tham khảo một số công việc thời vụ với mức lương hấp dẫn dưới đây nhé!
5. Câu hỏi về quy định lương thưởng và phúc lợi
Mục đích: Biết được mức lương và phúc lợi của công ty.
Một số câu hỏi mẫu:
- Bên cạnh mức lương cơ bản, đối với vị trí này công ty có những đãi ngộ nào khác không?
- Đối với trường hợp hoàn thành công việc vượt mức KPI đặt ra thì công ty có chế độ thưởng như thế nào?
- Anh/chị có thể cho tôi biết chính sách tăng lương của công ty như thế nào không?
- Đối với phúc lợi, thưởng lễ Tết công ty có chính sách như thế nào?
Xem thêm: Tổng hợp 8 bộ câu hỏi phỏng vấn cho nhà tuyển dụng đầy đủ nhất
IV. Những câu hỏi cần tránh khi ứng viên đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng
Bên cạnh những câu hỏi mà ứng viên nên đặt cho nhà tuyển dụng ở trên, bạn cũng cần lưu ý một số chủ đề đặt câu hỏi dưới đây để tránh gây mất thiện cảm với nhà tuyển dụng:
1. Câu hỏi quá cá nhân hoặc nhạy cảm
Lý do: Nếu ứng viên đặt những câu hỏi mang tính chất riêng tư, nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy khó xử, bị xâm phạm quyền riêng tư, hoặc nghi ngờ về đạo đức và chuyên môn của bạn. Từ đó, những câu hỏi này sẽ khiến bạn bị loại khỏi danh sách ứng viên.
Ví dụ:
- Anh/chị đã kết hôn chưa? Anh/chị có con không?
- Anh/chị theo tôn giáo nào?
- Anh/chị bao nhiêu tuổi rồi?
- Anh/chị có thường đi công tác bao lâu một lần?
- Anh/chị có kế hoạch gì cho tương lai không?
2. Câu hỏi có thể được trả lời dễ dàng bằng cách tìm kiếm trên mạng
Lý do: Khi đặt những câu hỏi có thể tìm kiếm trên mạng sẽ khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn không chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đi phỏng vấn, không quan tâm đến công ty và vị trí ứng tuyển, hoặc thiếu khả năng tự tìm hiểu thông tin. Những câu hỏi này cũng làm mất thời gian của nhà tuyển dụng, khiến họ cảm thấy bạn không chuyên nghiệp và nghiêm túc.
Ví dụ:
- Công ty hiện tại đang hoạt động trong lĩnh vực nào?
- Công ty có những chi nhánh ở đâu?
- Công ty đang sản xuất những sản phẩm/dịch vụ nào?
- Công ty có những sản phẩm/dịch vụ nào nổi bật?
- Công ty có những đối thủ cạnh tranh nào?
Xem thêm: Cách trả lời phỏng vấn gây ấn tượng và một số lưu ý khi kết thúc phỏng vấn
3. Những câu hỏi quá cụ thể hoặc quá sớm
Lý do: Những câu hỏi này có thể làm cho nhà tuyển dụng cảm thấy bạn quá vội vàng, quá tham lam, hoặc quá tự tin và năng lực của mình. Thay vào đó, bạn nên đợi nhà tuyển dụng đề cập đến những vấn đề này, hoặc cho đến khi bạn đã được chấp nhận làm việc tại công ty.
Ví dụ:
- Công ty sẽ trả cho tôi mức lương bao nhiêu một tháng?
- Tôi sẽ được nghỉ bao nhiêu ngày trong năm?
4. Câu hỏi tiêu cực hoặc thể hiện sự thiếu thiện chí
Lý do: Bạn nên tránh những câu hỏi mang tính chất chỉ trích, so sánh, hoặc đòi hỏi quá đáng. Vì chúng có thể làm cho nhà tuyển dụng cảm thấy bạn không tôn trọng, không hợp tác, hoặc không có sự chân thành.
Ví dụ:
- Anh/chị thấy công ty này có điểm nào tốt hơn những công ty khác?
- Anh/chị có thích làm việc với sếp của mình không?
- Anh/chị có bao giờ muốn nghỉ việc chưa?
- Anh/chị có thể cho tôi biết những điểm yếu của công ty này là gì không?
- Anh/chị có thể cho tôi biết những lý do khiến những người trước tôi bị sa thải không?
Xem thêm: Bài test phỏng vấn Bách hóa Xanh đầy đủ, mới nhất 26 câu hỏi
5. Câu hỏi dài dòng, lan man
Lý do: Trường hợp ứng viên đặt những câu hỏi quá dài dòng và lan man sẽ làm cho nhà tuyển dụng cảm thấy bạn không có tư duy đặt câu hỏi, không có mục đích rõ ràng cho câu hỏi của mình. Đồng thời, điều này cũng làm mất thời gian của nhà tuyển dụng, khiến họ khó theo dõi và trả lời.
Ví dụ:
- Tôi đã đọc trên trang web của công ty rằng công ty có một chương trình đào tạo cho nhân viên mới, tôi thấy rất thú vị vì tôi luôn muốn học hỏi và phát triển bản thân. Tôi muốn hỏi là chương trình đào tạo này kéo dài bao lâu, bao gồm những nội dung gì, và được tổ chức bởi ai? Và nếu tôi được nhận vào làm việc, tôi có thể tham gia chương trình đào tạo này ngay lập tức hay phải chờ đợi một thời gian nào đó?
- Tôi đã nghe nói rằng công ty có một văn hóa làm việc rất tốt, và tôi rất muốn làm việc trong một môi trường như vậy. Tôi muốn hỏi là văn hóa làm việc của công ty được hình thành như thế nào, và những giá trị cốt lõi của công ty là gì? Và những giá trị đó được thể hiện ra sao trong các hoạt động hàng ngày của nhân viên?
Lời kết:
Hi vọng thông qua bài viết trên của Mua Bán, bạn đọc có thể biết cách đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng một cách hợp lý, thông minh và thật ấn tượng. Nếu muốn biết thêm những kiến thức thú vị khác liên quan đến việc làm, mua bán nhà đất, phong thủy,… hãy truy cập Muaban.net ngay nhé! Chúc bạn vượt qua vòng phỏng vấn suôn sẻ và sớm tìm được công việc như ý!
Xem thêm:
- Cách trả lời thư mời phỏng vấn ghi điểm với nhà tuyển dụng
- 17+ những câu hỏi phỏng vấn tiếng Anh hay gặp và cách trả lời ăn điểm
- Kinh Nghiệm Phỏng Vấn Online “Hạ Gục” Nhà Tuyển Dụng Bạn Nên Biết