Nghiên cứu Marketing là một hoạt động quan trọng và không thể thiếu trong kinh doanh hiện đại. Điều này đặc biệt đúng trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ, khi mà khách hàng ngày càng thông thái và yêu cầu ngày càng cao. Vậy nghiên cứu Marketing là gì? Quy trình nghiên cứu Marketing hiệu quả cho doanh nghiệp bao gồm những gì? Hãy cùng Mua Bán tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nhé!
1. Định nghĩa Marketing Research là gì?
Nghiên cứu Marketing (Marketing Research) là quá trình thu thập và phân tích dữ liệu định tính và định lượng liên quan đến sản phẩm và dịch vụ Marketing.
Marketing Research đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng sự tin cậy cho doanh nghiệp và làm cơ sở để đưa ra quyết định trong các hoạt động Marketing cụ thể, như rà soát, tìm kiếm cơ hội phát triển và phát hiện những mối đe dọa trên thị trường. Bên cạnh đó, đánh giá khả năng thành công và sự duy trì của các chương trình Marketing, cũng như định hướng và triển khai các chương trình này.
2. Các loại nghiên cứu Marketing phổ biến
Nghiên cứu Marketing thường được chia thành hai loại chính:
2.1 Theo thị trường mục tiêu
Nghiên cứu Marketing theo thị trường mục tiêu được chia thành 2 loại:
- Nghiên cứu Marketing về người tiêu dùng
- Nghiên cứu Marketing doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B)
Nghiên cứu về doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) thường phức tạp hơn nghiên cứu về người tiêu dùng. Có 4 yếu tố quan trọng làm cho nghiên cứu thị trường B2B trở nên đặc biệt và khác biệt so với nghiên cứu về người tiêu dùng:
- Đơn vị ra quyết định phức tạp hơn
- Sản phẩm và ứng dụng trong B2B cũng phức tạp hơn
- Số lượng khách hàng ít nhưng khả năng tiêu thụ sản phẩm cao hơn
- Mối quan hệ cá nhân rất quan trọng trong thị trường B2B.
2.2 Theo phương pháp tiếp cận
Phương pháp định tính và định lượng là hai phương pháp trong nghiên cứu khoa học và thu thập dữ liệu.
Phương pháp nghiên cứu định tính tập trung vào mô tả và hiểu về các thuộc tính hay đặc điểm, không đo lường các số liệu hay đưa ra kết quả số học, mà tập trung vào mô tả tính chất từ các quan sát, phỏng vấn, hoặc phân tích văn bản.
Phương pháp nghiên cứu định lượng tập trung vào đo lường và quy mô các số liệu hay đưa ra kết quả có tính chất số học. Nó sử dụng các phép đo, số liệu thống kê, và phân tích để đưa ra kết luận dựa trên dữ liệu đã thu thập được.
Cả hai phương pháp này có thể được sử dụng độc lập hoặc kết hợp để nghiên cứu và thu thập dữ liệu tùy thuộc vào mục tiêu của nghiên cứu và các yêu cầu của dự án.
Vì thế nên Marketing Research còn được mô tả là quá trình tìm hiểu, thu thập, phân tích cũng như truyền đạt các thông tin, nhằm hỗ trợ việc ra quyết định một cách hiệu quả đối với các vấn đề và cơ hội trong Marketing.
Tham khảo thêm: Marketer Là Gì? Bí Quyết Để Trở Thành Một Marketer Chuyên Nghiệp?
3. Phân biệt nghiên cứu Marketing & nghiên cứu thị trường
Nghiên cứu Marketing | Nghiên cứu thị trường |
Là quá trình thu thập, phân tích và diễn giải thông tin về thị trường, khách hàng và các yếu tố liên quan để đưa ra quyết định Marketing thông minh. |
Là quá trình thu thập và phân tích thông tin về thị trường, bao gồm cả môi trường thương mại, đối thủ cạnh tranh, và xu hướng thị trường. |
Tập trung vào các khía cạnh liên quan đến chiến lược và kế hoạch Marketing như mục tiêu, đối tượng khách hàng, định vị thương hiệu và bố trí sản phẩm. |
Tập trung vào việc tìm hiểu về cơ cấu, kích thước và tăng trưởng của thị trường, cung cầu, và xu hướng thị trường trong tương lai. |
Sử dụng các phương pháp nghiên cứu như khảo sát, phỏng vấn và phân tích dữ liệu thống kê để thu thập thông tin cũng như hiểu về hành vi và mong muốn của khách hàng. |
Sử dụng các phương pháp nghiên cứu như phân tích thống kê, phân tích dữ liệu thị trường, và phân tích SWOT để hiểu và đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường cụ thể. |
Tóm lại, nghiên cứu Marketing tập trung vào hành vi và mong muốn của khách hàng để đưa ra quyết định Marketing, trong khi nghiên cứu thị trường nhằm tìm hiểu và đánh giá cơ cấu và xu hướng của thị trường tổng thể.
4. Tầm quan trọng của nghiên cứu Marketing đối với doanh nghiệp
Nghiên cứu Marketing đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp vì nó giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về thị trường, khách hàng, và các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến sự thành công của một sản phẩm hoặc dịch vụ.
Nhờ nghiên cứu Marketing, các doanh nghiệp sẽ có thể hiểu rõ nhu cầu, mong muốn của khách hàng để có thể đưa ra những sản phẩm và dịch vụ phù hợp, mang những thông điệp để tiếp cận khách hàng. Qua đó, các doanh nghiệp cũng có thể đo lường tính hiệu quả của các hoạt động Marketing, rút ra bài học và điều chỉnh chiến lược Marketing phù hợp.
5. Vai trò và mục đích của Marketing Research trong chiến lược kinh doanh.
Trong chiến lược kinh doanh, Marketing Research đóng vai trò như một chìa khóa mang đến thành công cho doanh nghiệp. Bởi nhờ có Marketing Research mà doanh nghiệp có thể nghiên cứu thị trường, nghiên cứu khách hàng, cắt giảm chi phí,… Cụ thể như sau:
5.1 Cung cấp dữ liệu để lên chiến lược
Marketing Research giúp thu thập thông tin về thị trường, khách hàng và đối thủ cạnh tranh, từ đó cung cấp cơ sở dữ liệu giúp lên kế hoạch và xác định chiến lược kinh doanh hiệu quả.
5.2 Giảm chi phí Marketing
Marketing Research cho phép doanh nghiệp tìm hiểu sâu về đối tượng khách hàng và các kênh tiếp thị hiệu quả. Điều này giúp giảm thiểu lãng phí quảng cáo và Marketing không cần thiết, từ đó giảm chi phí Marketing.
5.3 Tìm ra các thị trường mới cho sản phẩm
Nghiên cứu thị trường giúp phát hiện ra các nhu cầu mới, xu hướng và thị trường tiềm năng. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể mở rộng hoạt động kinh doanh và tìm kiếm cơ hội mới.
5.4 Xác định các chính sách giá
Marketing Research giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể về giá cả cạnh tranh, nhu cầu của khách hàng và giá trị sản phẩm trong kinh doanh. Dựa trên thông tin này, doanh nghiệp có thể đưa ra chính sách giá cạnh tranh và có lợi nhất.
5.5 Nghiên cứu sở thích và mong muốn của người tiêu dùng
Thông qua Marketing Research, doanh nghiệp có thể định hình được sở thích, mong muốn, nhu cầu và yêu cầu mua hàng của khách hàng. Điều này giúp phát triển sản phẩm của doanh nghiệp, tiếp cận khách hàng dễ dàng và tạo ra kế hoạch Marketing phù hợp hơn.
5.6 Nghiên cứu đối thủ
Marketing Research cho phép quan sát, nghiên cứu và phân tích các đối thủ trong cùng lĩnh vực kinh doanh. Đây là yếu tố quan trọng để hiểu về cạnh tranh, giúp doanh nghiệp điều chỉnh và cải thiện chiến lược của mình.
5.7 Nghiên cứu việc những nhân tố bên ngoài và những ảnh hưởng của nó
Marketing Research giúp đánh giá các yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị và công nghệ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Điều này giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định dựa trên sự hiểu biết chuyên sâu về môi trường kinh doanh.
6. Những vấn đề Marketing Research cần nghiên cứu là gì?
Một số vấn đề Marketing research cần nghiên cứu bao gồm:
- Theo dõi quảng cáo (Ad tracking): Nghiên cứu liên tục hoặc theo giai đoạn trên thị trường để theo dõi hiệu quả kinh doanh bằng cách đo lường mức độ nhận biết thương hiệu, sở thích thương hiệu và hành vi sử dụng sản phẩm.
- Nghiên cứu quảng cáo (Adversiting Research): dùng để dự đoán hiệu quả quảng cáo thông qua mức độ hấp dẫn của quảng cáo, hoặc theo dõi hiệu quả của quảng cáo trên các phương tiện truyền thông và các trang mạng xã hội.
- Nghiên cứu nhận thức về thương hiệu (Brand awareness): khả năng người tiêu dùng ghi nhớ và nhận ra tên thương hiệu hoặc tên sản phẩm.
- Nghiên cứu về thuộc tính thương hiệu (brand association): giúp mô tả những đặc điểm nổi bật của một thương hiệu.
- Nghiên cứu sự liên kết thương hiệu: Sự liên kết của người tiêu dùng với thương hiệu.
- Kiểm tra tên thương hiệu (Brand name testing): Người tiêu dùng nghĩ gì về tên thương hiệu?
- Quy trình quyết định của khách hàng: điều gì thúc đẩy họ mua hàng, quy trình quyết định mà họ sử dụng.
- Độ thu hút của thương hiệu: Đánh giá quảng cáo, thiết kế bao bì, website bằng cách phân tích hành vi thị giác của người tiêu dùng.
- Thử nghiệm khái niệm (Concept testing): kiểm tra khả năng chấp nhận khái niệm của khách hàng tiềm năng.
- Thử nghiệm quảng cáo: Dự đoán quảng cáo sẽ hoạt động như thế nào trên thị trường trước khi phát sóng bằng cách đánh giá mức độ hấp dẫn của khán giả, mức độ liên quan đến thương hiệu, động lực, tính giải trí,…
- Nghiên cứu sự hài lòng của khách hàng: Nghiên cứu định lượng hoặc định tính về sự hài lòng của khách hàng trong một giao dịch.
- Dự đoán nhu cầu: Xác định mức độ chính xác của nhu cầu đối với một sản phẩm
- Kiểm tra kênh phân phối: Đánh giá thái độ của nhà phân phối và nhà bán lẻ đối với sản phẩm, thương hiệu hoặc doanh nghiệp.
- Lắng nghe ý kiến: Tìm kiếm ý kiến khách hàng trên Internet thông qua: trò chuyện, diễn đàn, trang web, blog, mạng xã hội,… nơi người tiêu dùng đăng trải nghiệm sản phẩm có thể ảnh hưởng đến quyết định của khách hàng tiềm năng khác.
- Phân tích tính hiệu quả của chiến lược Marketing: Xây dựng mô hình và đo lường kết quả để xác định hiệu quả của từng chiến dịch tiếp thị.
- Người mua sắm bí ẩn (Mystery consumer or mystery shopping): Nhân viên công ty hoặc đại diện công ty đối thủ thực hiện giao dịch mua bí mật và ghi lại toàn bộ trải nghiệm. Chúng thường được sử dụng để kiểm soát chất lượng hoặc nghiên cứu các sản phẩm đối thủ cạnh tranh.
- Nghiên cứu định vị (Positioning research): thị trường mục tiêu cảm nhận thương hiệu như thế nào so với các đối thủ cạnh tranh.
Tham khảo thêm: Mô tả công việc nhân viên Marketing chi tiết và đầy đủ nhất
7. Những phương pháp nghiên cứu Marketing phổ biến
Quá trình nghiên cứu Marketing là một hoạt động vô cùng cần thiết với tất cả các doanh nghiệp hiện nay. Để có thể thực hiện nghiên cứu này thành công và đạt được hiệu quả tốt, bạn có thể tham khảo các phương pháp sau đây:
7.1 Phỏng vấn
Đây là phương pháp thu thập thông tin bằng cách hỏi đáp trực tiếp với những người liên quan như khách hàng, chuyên gia, hay đối tác kinh doanh. Phỏng vấn có thể được thực hiện trực tiếp hoặc qua điện thoại, tin nhắn, email,…
7.2 Quan sát
Phương pháp này là việc theo dõi và ghi lại hoạt động của khách hàng hoặc người tiêu dùng trong tình huống thực tế. Quan sát có thể được thực hiện trực tiếp (như việc ngồi trong cửa hàng và quan sát hành vi mua hàng) hoặc gián tiếp (sử dụng camera an ninh hoặc dữ liệu trực tuyến).
7.3 Thử nghiệm
Phương pháp thử nghiệm trong Marketing thường được chia thành hai loại chính là thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm tại hiện trường.
- Thử nghiệm trong phòng thí nghiệm (Lab Testing): Đây là phương pháp thử nghiệm được tiến hành trong môi trường kiểm soát nhằm xác định tác động của những biến số cụ thể đến hành vi của khách hàng. Thông thường, các nhóm người tham gia thử nghiệm sẽ được phân chia ngẫu nhiên thành các nhóm kiểm tra và nhóm kiểm soát để so sánh sự khác biệt trong tác động của biến số.
- Thử nghiệm tại hiện trường (Field Testing): Đây là phương pháp thực hiện thử nghiệm trực tiếp tại nơi thực tế, thường là trên một mẫu ngẫu nhiên của khách hàng. Điều này giúp các nhà quảng cáo và marketers có thể đánh giá tác động của chiến dịch Marketing, sản phẩm hay dịch vụ trực tiếp đến khách hàng mục tiêu.
Cả hai phương pháp thử nghiệm này đều có đặc điểm riêng và được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực Marketing để đo lường hiệu quả và tìm ra những phương án tối ưu cho chiến dịch tiếp thị.
7.4 Thăm dò
Phương pháp này thường được sử dụng để thu thập dữ liệu từ một lượng lớn người tiêu dùng. Việc tạo và phân phối các bảng câu hỏi cho khách hàng hoặc người tiêu dùng giúp xác định các ý kiến, quan điểm và thông tin về người dùng, thị trường hoặc sản phẩm.
Tham khảo thêm: Marketing Mix là gì? Tìm hiểu chi tiết 3 chiến lược Marketing Mix phổ biến
8. Quy trình Marketing Research hiệu quả cho doanh nghiệp
Để đạt được thành công, doanh nghiệp cần có quy trình Marketing Research hiệu quả. Bạn có thể thao khảo các bước dưới đây:
Bước 1: Xác định vấn đề
Các doanh nghiệp cần xác định một vấn đề và xem xét cách khắc phục nó. Vấn đề cũng cần được xác định đầy đủ, vì nếu vấn đề quá mơ hồ sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực, còn nếu vấn đề quá chi tiết sẽ khó đưa ra kết luận chính xác. Để nhận diện đúng vấn đề, doanh nghiệp cần trả lời các câu hỏi sau:
- Cần nghiên cứu cái gì (nội dung và phạm vi nghiên cứu)?
- Tại sao nghiên cứu là cần thiết (những quyết định cần phải được thực hiện)?
Bước 2: Phát triển kế hoạch nghiên cứu
Phát triển kế hoạch nghiên cứu bao gồm việc thu thập thông tin cần thiết để đạt được mục tiêu nghiên cứu:
Nguồn dữ liệu: Các nhà nghiên cứu có thể thu thập dữ liệu liên quan đến một câu hỏi nghiên cứu từ các nguồn sơ cấp hoặc thứ cấp. Nguồn sơ cấp là nguồn dữ liệu không được tìm thấy trong các báo cáo nghiên cứu hoặc ấn phẩm bên ngoài như nguồn dữ liệu thứ cấp.
Phương pháp tiếp cận: Để thu thập dữ liệu từ các nguồn dữ liệu chính, bạn có thể sử dụng một số phương pháp, chẳng hạn như:
-
- Nghiên cứu quan sát: Các nhà nghiên cứu có thể thu thập thông tin bằng cách quan sát biến động thị trường hoặc tương tác với khách hàng để hiểu trải nghiệm mua hàng của họ.
- Nghiên cứu nhân khẩu học: Các nhà nghiên cứu sẽ nghiên cứu các cá nhân trong cuộc sống thực, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ yếu tố thử nghiệm nào. Mục đích của nghiên cứu này là: để hiểu lối sống của một người, cách họ tiêu dùng, sử dụng hàng hóa và dịch vụ, những gì họ cần,…
- Nghiên cứu nhóm tập trung: Tương tự như thảo luận nhóm, 6 đến 10 người cùng nhau thảo luận về một chủ đề do nhà nghiên cứu nêu ra.
- Khảo sát nghiên cứu: Loại nghiên cứu mô tả này có thể giúp bạn hiểu được sự hiểu biết, sở thích và sự hài lòng của một người đối với một sản phẩm. Cách tốt nhất để làm điều này là thông qua bảng câu hỏi.
- Dữ liệu hành vi: Hành vi mua hàng thực tế của khách hàng trong cửa hàng phản ánh sự lựa chọn sản phẩm của họ. Điều này giúp cung cấp thông tin chính xác hơn so với câu trả lời được cung cấp trong bảng câu hỏi.
- Nghiên cứu trải nghiệm: Quá trình này giúp hiểu tại sao và làm thế nào những thay đổi trong các yếu tố sản phẩm ảnh hưởng đến hành vi của người mua hàng.
Kế hoạch lấy mẫu: Khi phương pháp nghiên cứu được xác định, nhà nghiên cứu cần thiết kế một kế hoạch lấy mẫu bằng cách trả lời các câu hỏi sau:
-
- Bạn cần nghiên cứu dựa trên nhóm dân số nào?
- Kích thước lấy mẫu là bao nhiêu?
- Quy trình lấy mẫu như thế nào? Cách chọn đối tượng nghiên cứu?
Cách liên hệ: Các nhà nghiên cứu phải chọn một phương pháp liên hệ với người trả lời. Có thể qua email, điện thoại, trực tiếp, trực tuyến,…
Bước 3: Thu thập dữ liệu
Bước này bao gồm việc thu thập dữ liệu từ các nguồn khác nhau như khảo sát, phỏng vấn, quan sát, hoặc tìm hiểu từ các nguồn khác. Đảm bảo rằng phương pháp thu thập dữ liệu tuân thủ kế hoạch nghiên cứu cũng như đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy.
Bước 4: Phân tích thông tin
Sau khi thu thập dữ liệu, doanh nghiệp cần phân tích và xử lý thông tin. Quá trình này bao gồm tiếp cận dữ liệu, xử lý số liệu, áp dụng các phương pháp thống kê để tìm ra những xu hướng mới và mối quan hệ trong dữ liệu.
Bước 5: Trực quan hóa dữ liệu và làm báo cáo
Kế tiếp, doanh nghiệp cần trực quan hóa dữ liệu và tạo báo cáo dựa trên các kết quả phân tích. Sử dụng các công cụ và biểu đồ phù hợp để hiển thị thông tin một cách trực quan, dễ hiểu.
Bước 6: Đưa ra quyết định
Cuối cùng, doanh nghiệp sử dụng thông tin thu thập được và kết quả phân tích để đưa ra quyết định cụ thể. Mục tiêu là sử dụng những thông tin đã được nghiên cứu để cải thiện hiệu quả kinh doanh và đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Tham khảo việc làm Marketing tại Muaban.net |
9. Tìm hiểu 5 ví dụ về nghiên cứu Marketing nổi bật
Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về quy trình nghiên cứu của Marketing, dưới đây chúng tôi sẽ cùng bạn nghiên cứu và phân tích 5 ví dụ minh họa cụ thể về các công ty, thương hiệu lớn tại Việt Nam và cả trên thế giới.
9.1 Quy trình nghiên cứu Marketing của Netflix
Là cái tên dẫn đầu thị trường cung cấp nội dung số trực tuyến, yếu tố chính mang đến sự thành công vượt bậc cho Netflix chính là nghiên cứu Marketing. Quy trình nghiên cứu của Netflix cụ thể như sau:
Mục tiêu nghiên cứu:
- Tìm hiểu nhu cầu của khách hàng
- Cải thiện và phát triển chất lượng dịch vụ
- Nâng cao doanh số bán hàng.
Phương pháp nghiên cứu:
- Phương pháp nghiên cứu: Thử nghiệm A/B
- Phương pháp quản lý nhân viên thông minh
- Thử nghiệm không hoàn toàn
Quy trình nghiên cứu Marketing của thương hiệu
Xác định mục tiêu nghiên cứu:
- Tập trung vào chất lượng hình ảnh, video thay vì số lượng
- Áp dụng xu thế công nghệ tân tiến
Khảo sát và phỏng vấn khách hàng
Phân tích dữ liệu về môi trường kinh doanh và quan sát hành vi của khách hàng
Đưa ra kết quả nghiên cứu
Hành động: Đưa ra quyết định kinh doanh phù hợp nhằm tối ưu hóa chiến lược Marketing.
9.2 Quy trình nghiên cứu Marketing của doanh nghiệp – First Book
Mục tiêu nghiên cứu:
- Tìm hiểu rõ hơn về sự thúc đẩy nền giáo dục công bằng qua việc loại bỏ những rào cản đối với việc học.
Phương pháp nghiên cứu:
- Phương pháp khảo sát khách hàng.
- Phân tích dữ liệu dựa trên các kết quả thống kê.
Quy trình nghiên cứu Marketing của First Book:
- Xác định vấn đề, mục tiêu nghiên cứu
- Khảo sát và phỏng vấn khách hàng
- Phân tích dữ liệu để làm báo cáo kết quả nghiên cứu
- Đưa ra giải pháp và hành động
9.3 Quy trình nghiên cứu Marketing của Coca-Cola
Năm 2013, Coca – Cola đã tiến hành một cuộc nghiên cứu Marketing về mối liên hệ giữa giá cả và nhu cầu tiêu dùng đồ uống của khách hàng. Quy trình nghiên cứu Marketing như sau:
Mục tiêu nghiên cứu:
- Tìm hiểu mối quan hệ giữa giá cả và nhu cầu tiêu dùng đồ uống của khách hàng.
- Đề xuất các giải pháp Marketing nhằm tối ưu chiến lược giá cả, đồng thời nâng cao hiệu quả tiếp cận khách hàng.
Phương pháp nghiên cứu:
- Phương pháp khảo sát trực tiếp và phỏng vấn khách hàng qua điện thoại.
- Phân tích thống kê: phân tích tương quan, phân tích hồi quy, phân tích biến số, phân tích đa biến, phân tích nhân tố, phân tích chuỗi.
Quy trình nghiên cứu Marketing Coca – Cola:
- Thiết kế, lập kế hoạch nghiên cứu
- Thực hiện cuộc nghiên cứu: khảo sát trực tuyến 1.000+ người tiêu dùng (18 – 60 tuổi) trên phạm vi toàn cầu.
- Phân tích, đánh giá kết quả nghiên cứu
- Hành động
Tham khảo thêm: Digital Marketing Là Gì? 3 Kỹ Năng Cần Có Của Digital Marketer
9.4 Quá trình nghiên cứu Marketing của Vinamilk
Vinamilk là một trong những thương hiệu lớn đã tiến hành nghiên cứu Marketing thường xuyên về thị trường sữa đặc Việt Nam. Cụ thể như sau:
Mục tiêu nghiên cứu:
- Tìm hiểu xu hướng và nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.
- Nghiên cứu thị trường cạnh tranh, cơ hội phát triển cho sản phẩm sữa của thương hiệu Vinamilk trên thị trường Việt Nam.
- Đưa ra các chiến dịch Marketing phù hợp.
Phương pháp nghiên cứu:
- Phương pháp khảo sát trực tiếp khách hàng (online/ offline).
- Phân tích dữ liệu dựa trên các công cụ thống kê.
- So sánh dữ liệu với các đối thủ cạnh tranh.
Quy trình nghiên cứu Marketing của Vinamilk:
- Xác định vấn đề nghiên cứu
- Phỏng vấn khách hàng
- Khảo sát thị trường
- Phân tích dữ liệu
- Kết quả của cuộc nghiên cứu
- Đánh giá mức độ hiệu quả của nghiên cứu
- Hành động
9.5 Quá trình nghiên cứu Marketing của thương hiệu Nike
Nike là một thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực giày dép, quần áo và các sản phẩm thể thao. Họ được biết đến với logo “Swoosh” nổi tiếng và các sản phẩm chất lượng cao có sự kết hợp giữa thiết kế và hiệu suất tốt. Để tăng cường sự nhận diện thương hiệu, Nike có quá trình nghiên cứu Marketing liên tục, cụ thể:
Mục tiêu nghiên cứu:
- Tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công cho chiến dịch tiếp thị của Nike
- Tăng cường nhận diện thương hiệu
- Thu hút khách hàng tiềm năng hoặc tăng độ tương tác với khách hàng hiện có.
Phương pháp nghiên cứu:
- Phỏng vấn và thăm dò ý kiến khảo sát từ khách hàng
- Thu thập từ các nguồn như dữ liệu bán hàng, dữ liệu truy cập trang web và mạng xã hội của Nike.
Quy trình nghiên cứu Marketing của thương hiệu:
- Xác định rõ mục tiêu nghiên cứu
- Thu thập dữ liệu bao gồm việc sử dụng phỏng vấn, thăm dò ý kiến, phân tích dữ liệu số liệu thống kê, và nghiên cứu thị trường.
- Phân tích và đánh giá dữ liệu
- Giải pháp và hành động
10. Kết luận
Trên đây là một số thông tin hữu ích xoay quanh chủ đề “nghiên cứu Marketing là gì” thông qua định nghĩa và quy trình Marketing Research hiệu quả cho doanh nghiệp. Mua Bán hy vọng rằng qua bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc nghiên cứu Marketing để áp dụng vào thực tiễn, đặc biệt trong thời đại công nghệ số hiện nay. Theo dõi Mua Bán để cập nhật những tin tức việc làm Marketing hữu ích bạn nhé!
Xem thêm:
- Marketing tổng thể là gì? 7 bước xây dựng chiến lược Marketing tổng thể
- Bật mí chính xác nhất về mức lương ngành Digital Marketing 2023
Trần Ánh Tuyết