Phỏng vấn là một trong những vòng cuối cùng khi bạn ứng tuyển công việc. Với những người chưa có kinh nghiệm, thì đây là một thử thách khá khó khăn. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể chinh phục nhà tuyển dụng bằng cách thể hiện những mặt tốt khác của mình. Để giúp bạn tự tin khi đi phỏng vấn, Mua Bán sẽ bật mí cách trả lời phỏng vấn khi chưa có kinh nghiệm giúp bạn chinh phục được nhà tuyển dụng.
I. Hướng dẫn trả lời phỏng vấn khi chưa có kinh nghiệm
Dưới đây là một số hướng dẫn giúp bạn biết cách trả lời phỏng vấn khi chưa có kinh nghiệm, từ đó tạo ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng. Bạn có thể tham khảo nhé!
1. Tìm hiểu kỹ về công ty và vị trí ứng tuyển
Tìm hiểu kỹ về công ty và vị trí ứng tuyển sẽ giúp bạn xác định được yêu cầu của nhà tuyển dụng, hiểu rõ về vị trí công việc cũng như môi trường làm việc. Từ đó, có thể chuẩn bị tốt hơn các câu trả, đưa ra những minh chứng để chứng minh bạn phù hợp với vị trí và môi trường làm việc. Điều này sẽ giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
Một số thông tin bạn cần tìm hiểu như thông tin về sản phẩm/dịch vụ, thị trường hoạt động, đối thủ cạnh tranh của công ty, những yêu cầu cụ thể đối với công việc cũng như lộ trình phát triển khi làm việc tại đây. Bạn có thể xem những thông tin này trên website công ty, đọc các bài báo, bài review về công ty, hoặc hỏi người đã từng làm việc tại đây.
2. Nghiên cứu về lĩnh vực liên quan đến vị trí
Việc nghiên cứu kỹ về lĩnh vực liên quan đến vị trí ứng tuyển là một trong những cách tốt nhất để bạn chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn thật sự quan tâm và có tiềm năng phát triển trong lĩnh vực mà bạn đang ứng tuyển.
Một số vấn đề cần nghiên cứu như xu hướng phát triển của thị trường, phần mô tả công việc, xác định những kỹ năng và kiến thức cần thiết. Đồng thời tìm hiểu về triển vọng phát triển nghề nghiệp của lĩnh vực mà bạn quan tâm.
3. Thể hiện sự tự tin
Một trong những yếu tố giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng là sự tự tin. Để thể hiện sự tự tin, bạn nên chuẩn bị trang phục thật thoải mái, chỉn chu, lịch sự khi đi phỏng vấn. Nên ngủ sớm và giữ tinh thần tốt trước ngày phỏng vấn. Và một điều quan trọng là chuẩn bị sẵn sàng câu hỏi và những thông tin liên quan đến công ty, vị trí mà bạn ứng tuyển.
4. Rèn luyện kỹ năng giao tiếp
Kỹ năng giao tiếp là một trong những yếu tố quan trọng giúp bạn chinh phục nhà tuyển dụng. Giao tiếp không chỉ bằng lời nói, mà còn thể hiện qua cử chỉ, hành động và ánh mắt. Khi bạn rèn luyện kỹ năng giao tiếp tốt sẽ giúp bạn dễ dàng truyền đạt thông tin đến nhà tuyển dụng, và họ cũng sẽ tiếp nhận thông tin này với một thái độ tích cực hơn.
5. Đến đúng giờ
Ấn tượng ban đầu là yếu tố quan trọng quyết định đến thành công của buổi phỏng vấn. Nhà tuyển dụng sẽ có những đánh giá ban đầu về bạn ngay khi bạn bước vào phòng phỏng vấn, dựa trên trang phục, ngoại hình, tác phong,… Vì vậy, việc đến sớm trước giờ phỏng vấn là điều cần thiết để bạn có thể gây ấn tượng tốt đẹp với nhà tuyển dụng.
Cần hạn chế những ảnh hưởng từ vấn đề đột xuất, chẳng hạn như tắc đường, kẹt xe,… Điều này sẽ giúp bạn có mặt đúng giờ, không bị trễ phỏng vấn. Ngoài ra, bạn nên tìm hiểu thông tin về địa điểm phỏng vấn, lên kế hoạch di chuyển và có thời gian dự phòng để tránh trường hợp đến muộn.
6. Trang phục chỉn chu
Nhà tuyển dụng sẽ có những đánh giá ban đầu ngay khi bạn bước vào phòng phỏng vấn, dựa trên trang phục, ngoại hình, tác phong,… Vì vậy, việc lựa chọn trang phục phù hợp là điều cần thiết để bạn có thể gây ấn tượng tốt đẹp với nhà tuyển dụng.
Trước khi phỏng vấn, bạn cần tìm hiểu thông tin về công ty và vị trí ứng tuyển để xác định được phong cách trang phục phù hợp với văn hóa doanh nghiệp. Bạn nên chọn lựa những bộ trang phục thoải mái, nhưng vẫn thể hiện sự chỉn chu, chuyên nghiệp và phù hợp.
7. Gửi email cảm ơn sau khi kết thúc phỏng vấn
Gửi email cảm ơn sau khi kết thúc phỏng vấn là một hành động thể hiện sự chuyên nghiệp và quan tâm của ứng viên đối với vị trí ứng tuyển. Email cảm ơn không chỉ giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng mà còn là cơ hội để bạn nhắc lại những điểm mạnh của bản thân và bày tỏ mong muốn được trở thành một thành viên của công ty.
Email cảm ơn nên được viết ngắn gọn, súc tích và đầy đủ thông tin. Bạn nên bắt đầu bằng lời chào và cảm ơn họ đã dành thời gian phỏng vấn bạn. Tiếp theo, có thể nhắc lại những điểm mạnh của bản thân và bày tỏ sự quan tâm của mình đối với vị trí ứng tuyển. Cuối cùng, bạn nên kết thúc email bằng lời cảm ơn và chúc nhà tuyển dụng một ngày tốt lành.
Xem thêm: 30+ Các câu hỏi phỏng vấn xin việc và cách trả lời thông minh
Ngoài ra, nếu bạn có nhu cầu tìm kiếm việc làm mới mức lương cao, uy tín, bạn có thể tham khảo các tin đăng tại website Muaban.net:
II. Một số câu hỏi và mẫu trả lời cho người chưa có kinh nghiệm
Thông thường, khi bước vào vòng phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ có những câu hỏi để đánh giá các ứng viên. Dưới đây là một số câu hỏi và cách trả lời phỏng vấn khi chưa có kinh nghiệm mà bạn có thể tham khảo.
1. Giới thiệu bản thân và vì sao bạn phù hợp với vị trí này?
Đối với câu hỏi này, câu trả lời của bạn nên nhấn mạnh vào những điểm nổi bật của bản thân phù hợp với những yêu cầu trong bản mô tả công việc ở vị trí mà bạn ứng tuyển. Những điểm này nên rõ ràng, và có dẫn chứng càng cụ thể càng tốt, không nên nói quá chung chung.
Bạn có thể xem cách trả lời phỏng vấn khi chưa có kinh nghiệm dưới đây:
“Em có kỹ năng giao tiếp và thuyết trình tốt, trong các hoạt động học tập tại trường thì em luôn đảm nhận vị trí thuyết trình và phản biện, được thầy cô đánh giá khá tốt. Em cũng có khả năng dẫn dắt và quản lý đội nhóm khi còn đi học, là người kết nối mọi người lại với nhau để hoàn thành công việc.
Bên cạnh đó, em có tinh thần học hỏi cao và luôn sẵn sàng thử thách bản thân, có khả năng thích nghi tốt với môi trường mới. Trong quá trình học tập, em luôn có tinh thần tự học và trau dồi kiến thức, hiện nay em đã có những kiến thức nền tảng về [lĩnh vực đang ứng tuyển]. Em tin rằng mình có đủ kiến thức nền tảng để có thể đảm nhận vị trí và có thể hòa nhập nhanh chóng với văn hóa làm việc của công ty.”
2. Tại sao chúng tôi nên chọn bạn?
Với câu hỏi này, bạn nên giải thích vì sao việc thiếu kinh nghiệm của bạn là điểm cộng cho nhà tuyển dụng. Hãy tự tin và mạnh dạn trả lời bạn là người dễ thích nghi với môi trường mới, luôn nhiệt tình và khao khát được học hỏi để đảm nhận công việc. Nếu bạn có niềm đam mê với công việc, đừng ngần ngại mà hãy thể hiện điều này với nhà tuyển dụng.
Dưới đây là cách trả lời phỏng vấn khi chưa có kinh nghiệm với câu hỏi mà bạn có thể tham khảo:
“Khi còn đi học thì em đã có niềm đam mê với lĩnh vực [lĩnh vực bạn ứng tuyển]. Em đã tìm hiểu về các yêu cầu cần có cho công việc này và đã hoàn thiện mình hơn để có thể đáp ứng những yêu cầu trên. Bên cạnh việc học kiến thức chuyên ngành ở trường thì em có đi tham gia các hoạt động thực tế liên quan đến lĩnh vực …, và đã trau dồi thêm vốn tiếng Anh của mình, …. [bạn có thể liệt kê những những việc bạn đã làm].
Khi cảm thấy kiến thức và kỹ năng của mình đã có thể áp dụng, em quyết định ứng tuyển vào vị trí [vị trí đang ứng tuyển] của công ty. Mặc dù chưa có kinh nghiệm làm việc nhưng với em đây chính là động lực lớn giúp mình nỗ lực và cố gắng hơn trong quá trình làm việc. Em sẽ học hỏi với thái độ tích cực nhất, sẵn sàng bỏ ra nhiều thời gian và công sức hơn để có thể hoàn thiện mình.”
3. Thế mạnh của bạn là gì?
Bạn nên kể ra những điểm mạnh có thể mang lại lợi ích cho vị trí công việc cũng như cho công ty. Mặc dù khi tuyển dụng mọi người thường ưu tiên về kinh nghiệm làm việc nhưng tính cách và thái độ đối với công việc cũng cực kỳ quan trọng.
Kinh nghiệm có thể tích lũy theo thời gian, nhưng không phải ai cũng thật sự có thái độ tốt với công việc của mình. Bạn có thể thể hiện những điểm mạnh về thái độ với công việc. Và những tính cách của bạn phù hợp với vị trí mà bạn ứng tuyển.
Bạn có thể tham khảo cách trả lời phỏng vấn khi chưa có kinh nghiệm với câu hỏi như sau:
“Em nghĩ em có tính cách và thái độ phù hợp để thực hiện các công việc. Em tôn trọng công việc mà mình được nhận, luôn chăm chỉ và kiên trì để hoàn thành nó. Khi nhận bất kỳ một công việc nào, em sẽ cố gắng hoàn thành một cách tốt nhất, điều này giúp em có thể trau dồi và hoàn thiện bản thân hơn.
Em luôn muốn mình phát triển và tốt hơn mỗi ngày, nên sẵn sàng học hỏi, đón nhận những cái mới và học cách áp dụng nó vào công việc cũng như cuộc sống hàng ngày. Với thái độ tích cực, trung thực và đáng tin cậy, em tin rằng mình phù hợp với Công ty và phù hợp với vị trí mà mình đang ứng tuyển.”
Xem thêm: Kỹ Năng Phỏng Vấn và Những Điều Nên làm Sau Khi Phỏng Vấn
4. Điểm yếu của bạn là gì?
Điểm yếu không hẳn là những điểm xấu của bạn, đôi khi nó lại tốt và phù hợp với công việc mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm. Hãy tìm ra những điểm yếu thú vị và phù hợp với công việc. Đây là cách trả lời phỏng vấn khá khôn ngoan khi chưa có kinh nghiệm mà bạn có thể áp dụng.
Chẳng hạn như, bạn ứng tuyển vị trí nhân viên marketing, bạn có điểm yếu là không thích những thứ rập khuôn, không thích ngồi yên một chỗ, và thường xuyên sử dụng mạng xã hội. Tuy nhiên, đối với công việc này thì việc năng động và thường xuyên cập nhật mạng xã hội lại là một điều tốt. Bạn chỉ cần tiết chế lại một chút thì sẽ có thể phù hợp với công việc.
Hoặc nếu bạn có tính hay ôm đồm và ngại từ chối người khác. Mặc dù đây là một điểm yếu nhưng nó lại là đức tính tốt. Một nhà tuyển dụng thường mong muốn ứng viên của mình nhiệt tình đảm nhận các công việc thay vì đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Do đó, với điểm yếu này, nếu bạn có thể xử lý tốt thì rất tốt cho công việc.
Bạn có thể tham khảo cách trả lời phỏng vấn khi chưa có kinh nghiệm với câu hỏi này như sau:
“Điểm yếu của em là hay ôm đồm công việc và cảm thấy khó khăn khi từ chối sự nhờ vả của người khác. Em luôn cố gắng làm công việc để không khiến mọi người thất vọng. Tuy nhiên điều này khiến em tạo quá nhiều áp lực cho bản thân để gánh việc cho người khác. Em nghĩ mình cần phải tiết chế lại điểm yếu này, vì đôi khi không phải lúc nào ôm đồm quá nhiều việc cũng mang lại kết quả tốt.”
5. Hãy kể lại lần mà bạn đối mặt với tình huống khó khăn và cách xử lý nó
Đối với câu hỏi này, nhà tuyển dụng đang muốn xem cách bạn đối mặt với tình huống, nhìn nhận và giải quyết vấn đề ra sao. Từ đó có thể đánh giá sự hiểu biết, cách vận dụng kỹ năng xử lý vấn đề và cách quan sát của bạn. Do đó, cách trả lời phỏng vấn khi chưa có kinh nghiệm nên trả lời ngắn gọn và tập trung vào tình huống.
Đầu tiên bạn cần làm rõ ngữ cảnh tình huống, nhiệm vụ của bạn, và hành động xử lý vấn đề của bạn, cuối cùng là kết quả. Dù ở tình huống nào, bạn cũng nên thể hiện được sự bình tĩnh, chuyên nghiệp, nên tìm hiểu vấn đề cặn kẽ trước khi đưa ra quyết định.
Bạn có thể tham khảo cách trả lời phỏng vấn khi chưa có kinh nghiệm với câu hỏi này như sau:
“Chị gái em có kinh doanh một quán ăn, có lần vì quán đông không đủ người nên em đã đến phụ chị bưng bê đồ ăn cho khách. Lúc đang chạy bàn, thì có anh khách vẫy em lại và chỉ tay vào con sâu trong đĩa rau. Họ phàn nàn và bảo đồ ăn của quán không sạch, có sâu rớt trong đĩa mà vẫn bưng lên cho khách. Tuy nhiên, lúc này chị gái em lại vừa mới đi chợ và không có mặt ở đó.
Sau khi nghe xong câu chuyện, để làm dịu đi sự tức giận của khách, em đã ngay lập tức xin lỗi và xin bù một phần ăn khác miễn phí cho bàn của vị khách này. Đồng thời nói với khách rằng vì nguyên liệu rau củ quán lấy từ nguồn nông trại không sử dụng thuốc trừ sâu, trong quá trình chế biến nhân viên có thể đã bỏ sót và chân thành xin lỗi khách. Đồng thời, mời khách nếu không phiền thì có thể vào trong bếp tham quan và góp ý cho quán có thể hoàn thiện tốt hơn.
Sau đó vị khách này đã dịu đi không còn thái độ khó chịu nữa, khách cũng ghé thăm bếp và cho một vài ý kiến. Sau đó em đã cảm ơn vị khách và bày tỏ mong muốn rằng họ có thể thường xuyên ghé quán và để riêng cho vị khách này voucher giảm giá của quán. Ngày hôm đó, mặc dù mất đi phần ăn nhưng đổi lại là sự tin tưởng và ghé thăm thường xuyên của anh khách.”
III. Một số lưu ý về thái độ và cách truyền đạt với nhà tuyển dụng
Thái độ và cách truyền đạt thông tin là yếu tố quan trọng giúp nhà tuyển dụng đánh giá cũng như lựa chọn ứng viên. Dưới đây là một số lưu ý giúp bạn dễ ăn điểm và chinh phục nhà tuyển dụng:
- Bạn nên có thái độ trung thực, trả lời câu hỏi đúng trọng tâm, đúng sự thật và không bịa ra thông tin. Nhà tuyển dụng có kinh nghiệm sẽ dễ dàng nhận ra bạn có thật sự trung thực khi trả lời các câu hỏi của họ.
- Không nên nói quá nhiều về bản thân mà hãy khẳng định mình có thể đóng góp gì cho công ty và vị trí mà bạn ứng tuyển. Cái mà nhà tuyển dụng muốn nghe là bạn có thể làm được gì cho công ty hơn là những thông tin cá nhân của bạn.
- Hãy thể hiện sự chủ động và thái độ cầu tiến trong công việc. Bạn nên cho nhà tuyển dụng thấy mình luôn sẵn sàng học hỏi để có thể phát triển lên những vị trí cao hơn và gắn bó lâu dài hơn với công ty.
- Hãy thể hiện sự tự tin kết hợp giao tiếp bằng lời nói và ngôn ngữ cơ thể một cách tự nhiên. Điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng thấy được năng lượng tích cực của bạn và đánh giá bạn tốt hơn khi phỏng vấn.
Trên đây là cách trả lời phỏng vấn khi chưa có kinh nghiệm, cũng như những điều bạn cần chuẩn bị để có một buổi phỏng vấn tốt nhất. Hy vọng, với thông tin do Mua Bán cung cấp sẽ giúp bạn ứng tuyển thành công vào các vị trí mà mình mong muốn. Ngoài ra, nếu bạn đang tìm việc làm thì có thể xem thêm các tin tuyển dụng tại trang Muaban.net nhé!
Xem thêm:
- Hướng dẫn cách mail hỏi kết quả phỏng vấn chuyên nghiệp nhất
- Chinh phục 10 câu hỏi phỏng vấn câu lạc bộ phổ biến nhất
- Bật mí kinh nghiệm xin việc trái ngành cực chuẩn khi phỏng vấn
- 28 câu hỏi phỏng vấn giáo viên tiếng anh có câu trả lời 2024