Trong hành trình chinh phục kiến thức và tương lai, môn văn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn không chỉ là một bài kiểm tra về khả năng viết văn của các bạn, mà còn là cơ hội để thể hiện sự sáng tạo, hiểu biết văn hóa và tư duy phân tích sắc bén. Cùng Muaban.net khám phá về đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Bình Thuận ngay sau đây.
I. Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Bình Thuận mới nhất năm 2023
Hiện nay, kì thi tuyển sinh lớp 10 tỉnh Bình Thuận chưa được tổ chức, Muaban.net chưa thể cập nhật đề thi, chúng tôi sẽ cập nhật đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Bình Thuận năm 2023 sớm nhất. Các bạn có thể tham khảo bộ Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Bình Thuận ở các năm trước đây.
II. Đề thi và đáp án môn Văn kỳ thi vào lớp 10 tỉnh Bình Thuận năm 2022
Đề thi vào lớp 10 môn Văn Bình Thuận 2022
Sở GD&ĐT Bình Thuận ĐỀ CHÍNH THỨC |
KỲ THI TUYỂN SINH |
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc kĩ các đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
Trích 1:
“Mẹ cùng cha công tác bạn không về
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học.”
Câu 1. (0,5 điểm) Ngữ liệu trên được trích trong tác phẩm nào? Tác giả là ai?
Câu 2. (0,75 điểm) Tìm những chi tiết thể hiện sự yêu thương, chăm sóc của bà đổi với cháu.
Câu 3. (0,5 điểm) Nêu hiệu quả của phép điệp từ được sử dụng trong đoạn trích.
Trích 2:
“Những việc đáng làm đều đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực. Bạn không thể vội vã trước một thách đố lớn.
Hãy dành niềm vui để tận hưởng những thành công nho nhỏ của bạn. Chúng sẽ động viên bạn bước tiếp. Và bạn sẽ cảm nhận hạnh phúc ngay khi vượt qua được khó khăn thử
(Trích Hạt giống tâm hồn, Tuyển chọn những câu chuyện hay nhất, nhiều tác giả, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, trang 59)
Câu 4. (0,5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 5. (0,75 điểm) Câu: “Những việc đáng làm đều đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực.” là câu đơn hay câu ghép? Chỉ ra các thành phần câu.
I. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (3,0 điểm) Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày cách vượt qua khó khăn thử thách của em.
Câu 2. (4,0 điểm) Cảm nhận hai khổ thơ sau:
“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!
Mai về miền Nam thường trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiệu chốn này.”
Trích “Viếng lăng Bác, Viễn Phương, Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2021, trang 58-59)
Đáp án môn Văn kỳ thi vào lớp 10 tỉnh Bình Thuận năm 2022
I. ĐỌC HIỂU
Trích 1:
Câu 1. Bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt.
Câu 2. Chi tiết thể hiện sự yêu thương, chăm sóc của bà đối với cháu: Bà dạy cháu làm. bà chăm cháu học”.
Câu 3. Hiệu quả : nhấn mạnh tình yêu và sự chăm sóc của người bà dành cho cháu, là sự kết hợp giữa tình cha ,nghĩa mẹ , công thầy.
Trích 2.
Câu 4. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Câu 5. Là câu đơn
Những việc đáng làm (CN)/ đều đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực. (VN)
II. PHẦN LÀM VĂN
Câu 1.
Câu 2. Dàn ý tham khảo
a) Mở bài
– Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm
+ Viễn Phương là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng miền Nam thời kì chống Mĩ cứu nước.
+ Bài thơ Viếng lăng Bác thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của của nhà thơ và của mọi người đối với Bác Hồ khi vào viếng lăng Bác, đặc biệt là hai khổ thơ cuối.
– Dẫn dắt, giới thiệu hai khổ cuối: Hai khổ thơ cuối thể hiện sâu sắc lòng thành kính và niềm xúc động của nhà thơ và mọi người đối với Bác Hồ khi vào lăng viếng Bác.
b) Thân bài
* Cảm xúc của nhà thơ khi ở trong lăng:
– Khổ thơ thứ ba diễn tả thật xúc động cảm xúc và suy nghĩ của tác giả khi vào lăng viếng Bác. Khung cảnh và không khí thanh tĩnh như ngưng kết cả thời gian và không gian ở bên trong lăng Bác đã được nhà thơ gợi tả rất đạt:
“… Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng diệu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim”
+ Cụm từ “giấc ngủ bình yên” diễn tả chính xác và tinh tế sự yên tĩnh, trang nghiêm và ánh sáng dịu nhẹ, trong trẻo của không gian trong lăng Bác.
+ Bác còn mãi với non sông đất nước như trời xanh còn mãi mãi, Người đã hóa thành thiên nhiên, đất nước, dân tộc. Tác giả đã rất đúng khi khẳng định Bác sống mãi trong lòng dân tộc vĩnh hằng như trời xanh không bao giờ mất đi.
* Tâm trạng lưu luyến của nhà thơ trước lúc khi trở về miền Nam:
– Khổ thơ thứ tư (khổ cuối) diễn tả tâm trạng lưu luyến của nhà thơ. Muốn ở mãi bên lăng Bác, nhưng tác giả cũng biết rằng đến lúc phải trở về miền Nam, chỉ có cách gửi lòng mình bằng cách hóa thân, hòa nhập vào những cảnh vật ở bên lăng Bác để luôn được ở bên Người.
“Mai về niềm Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”
– Từ “muốn làm” được lặp đi lặp lại nhiều lần trong đoạn thơ thể hiện được ước muốn, sự tự nguyện của tác giả. Hình ảnh cây tre lại xuất hiện khép bài thơ lại một cách khéo léo.
– Tác giả muốn làm con chim, làm đóa hoa, làm cây tre trung hiếu, muốn được gắn bó bên Bác:
“Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta
Ta bỗng lớn ở bên Người một chút”
c) Kết bài
– Qua hai khổ thơ cuối, nhà thơ đã thể hiện được niềm xúc động tràn đầy và lớn lao trong lòng khi viếng lăng Bác, thể hiện được những tình cảm thành kính, sâu sắc với Bác Hồ.
– Bài thơ có giọng điệu phù hợp với nội dung bài tình cảm, cảm xúc. Đó là giọng vừa trang nghiêm, sâu lắng, vừa tha thiết đau xót tự hào.
III. Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Bình Thuận có đáp án chi tiết năm 2021
Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Bình Thuận năm 2021
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc kĩ các đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi: 1, 2, 3, 4.
Trích 1:
“Mai cốt cách tuyết tinh thần,
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.”
Câu 1. Câu thơ trên trích trong tác phẩm (hoặc đoạn trích) nào ? Tác giả là ai ? (0,5 điểm)
Câu 2.
Kể tên hai nhân vật được nói đến trong câu thơ. (0,5 điểm)
Trích 2:
Ông Hai vẫn trằn trọc không sao ngủ được. Ông hết trở mình bên này lại trở mình bên kia, thở dài. Chợt ông lão lặng hẳn đi, chân tay nhũn ra, tưởng chừng như không cất lên được…” .
(Trích Làng, Kim Lân, SGK Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục, 2014, tr.167)
Câu 3. Hai câu văn đầu liên kết với nhau bằng phép liên kết gì ? Từ ngữ nào dùng để liên kết ? (1,0 điểm).
Câu 4. Câu “Ông Hai vẫn trằn trọc không sao ngủ được.” là câu đơn hay câu ghép ? Chỉ ra thành phần chủ ngữ, vị ngữ trong câu. (1,0 điểm)
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (3,0 điểm)
Em hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) nêu suy ngẫm của bản thân về lòng nhân ái của con người Việt Nam.
Câu 2. (4,0 điểm)
Cảm nhận của em về vẻ đẹp của anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa – Nguyễn Thành Long.
(Lặng lẽ Sa Pa, Nguyễn Thành Long, SGK Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục, 2014, tr.180 – 188)
Đáp án đề Văn vào 10 tỉnh Bình Thuận 2021
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc kĩ các đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi: 1, 2, 3, 4.
Trích 1:
Câu 1. Câu thơ trên trích trong tác phẩm Truyện Kiều (Đoạn trích Chị em Thúy Kiều) của Nguyễn Du.
Câu 2. Hai nhân vật được nói đến trong câu th: Thúy Kiều, Thúy Vân
Trích 2:
Câu 3. Hai câu văn đầu liên kết với nhau bằng phép liên kết: phép thế : Ông Hai = ông.
hoặc: Phép lặp: Ông
Câu 4. Câu “Ông Hai vẫn trằn trọc không sao ngủ được.” là câu đơn.
Ông Hai (CN) vẫn trằn trọc không sao ngủ được. (VN)
II. PHẦN LÀM VĂN
Câu 1.
I. Mở bài
Lòng nhân ái là một trong những phẩm chất cao quý của con người và trong thời điểm khó khăn nhất, lòng nhân ái lại càng được lan tỏa trong từng con người Việt Nam ta.
II. Thân bài
1. Giải thích
Lòng nhân ái là thứ tình cảm thiêng liêng, là sự tôn trọng, yêu thương, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau giữa con người và con người.
2. Chứng minh
– Tại sao chúng ta phải có lòng nhân ái?
- Bởi vì nó thể hiện phẩm chất đạo đức cần có.
- Khi thể hiện tình yêu thương, nó mang đến cho chúng ta suy nghĩ, dư âm ngọt ngào và bình yên trong tâm hồn.
- Là thước đo để đánh giá phẩm chất, đạo đức một con người.
- Lòng nhân ái có khả năng giúp đỡ con người qua cơn khốn khó, mang đến cho họ suối nguồn của tình thương con người.
- Lòng nhân ái còn giúp cho những con người đang lầm đường lỡ bước quay lại với con đường chân chính.
- Yêu thương thật sự đem lại hạnh phúc cho mọi người không chỉ riêng ta mà là cả nhân loại.
– Lòng nhân ái của con người Việt Nam.
- Hai chữ “đồng bào” không bao giờ là thiếu trong tình hình dịch bệnh Covid hiện nay.
- Lũ lụt nghiêm trọng ở miền Trung cùng sự đồng lòng giúp sức của cả nước.
- ….
3. Rút ra suy nghĩ của em về lòng nhân ái của con người Việt Nam.
4. Phê phán những con người có hành động coi thường, khinh rẻ những người nghèo khó cần được sự giúp đỡ, yêu thương đặc biệt là người nghèo, trẻ em cơ nhỡ.
III. Kết bài
– Lòng nhân ái là phẩm chất đạo đức cần thiết và được lan tỏa mạnh mẽ ở Việt Nam ta.
Câu 2.
Cảm nhận của em về vẻ đẹp của anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa – Nguyễn Thành Long.
Dàn ý tham khảo:
1. Mở bài cảm nhận về anh thanh niên
– Giới thiệu tác giả Nguyễn Thành Long và tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa
+ Nguyễn Thành Long là cây bút chuyên viết về truyện ngắn và kí, các tác phẩm của ông là luôn tạo được hình tượng đẹp, ngôn ngữ ngọt ngào, giọng văn trong trẻo, nhẹ nhàng, gần gũi.
+ Tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa viết năm 1970, sau chuyến đi thực tế Lào Cai của nhà văn, tiêu biểu cho phong cách Nguyễn Thành Long, ca ngợi những con người lao động thầm lặng, say mê hiến dâng tuổi trẻ và tình yêu của mình cho quê hương, đất nước.
– Khái quát về nhân vật anh thanh niên: đại diện tiêu biểu cho vẻ đẹp của những con người lao động với công việc thầm lặng, những con người lao động bình thường mà cao cả, những con người đầy quan tâm, đầy trách nhiệm đối với đất nước.
2. Thân bài cảm nhận anh thanh niên
* Khái quát về công việc của anh thanh niên
– Anh thanh niên làm kĩ sư khí tượng thủy văn trên đỉnh Yên Sơn cao 2.600m.
– Nhiệm vụ của anh là đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày để phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu.
=> Công việc đầy gian khổ, thách thức, đáng sợ hơn cả là phải đối diện với nỗi cô đơn “thèm người”.
* Luận điểm 1: Anh thanh niên say mê và có trách nhiệm cao trong công việc
– Anh làm việc một mình trên đỉnh núi cao, chấp nhận cuộc sống cô đơn, xa cách với cộng đồng.
– Mỗi ngày đều phải báo cáo số liệu cụ thể vào 4 mốc thời gian là 4 giờ sáng, 11 giờ trưa, 7 giờ tối và 1 giờ sáng.
– Anh làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt:
+ có mưa tuyết, trời tối đen, “gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới”
+ “gió thì giống những nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung… Những lúc im lặng lạnh cánh mà lại hừng hực như cháy. Xong việc, trở vào, không thể nào ngủ được”.
-> Nghệ thuật so sánh, liệt kê, nhân hóa được dùng hiệu quả, giúp người đọc cảm nhận thật rõ về sự khắc nghiệt của thời tiết Sa Pa.
– Thái độ của anh với công việc:
+ Vui vẻ, hồ hởi chia sẻ về công việc của mình rất chi tiết, tỉ mỉ, đầy hào hứng.
+ Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào vẫn luôn chăm chỉ, cần mẫn, đều đặn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
=> Anh thanh niên là một người yêu công việc, say mê lao động; có tinh thần trách nhiệm cao, có lí tưởng sống đẹp và tinh thần vượt khó, sẵn sàng chấp nhận thử thách.
* Luận điểm 2
Anh thanh niên có lẽ sống, lý tưởng sống cao cả đáng trân trọng
– Sống giữa những năm tháng chống Mĩ, anh luôn khát khao được cầm súng ra mặt trận, anh đã cùng bố viết đơn xin ra lính…
– Ý thức được ý nghĩa thiêng liêng của công việc, anh sẵn sàng vượt bao thử thách, gian khổ, đặc biệt là nỗi cô đơn để hoàn thành nhiệm vụ.
– Cũng vì ý thức trách nhiệm ấy mà anh không những không cảm thấy chán, không cảm thấy sợ mà còn đặc biệt yêu nghề, say mê với công việc của mình: “Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi…”
* Luận điểm 3: Anh thanh niên có tâm hồn trẻ trung, yêu đời, yêu cuộc sống
– Là thanh niên, lại sống nơi heo hút, vắng người, nhưng anh không sống buông thả mà đã biết tổ chức cho mình một cuộc sống khoa học, văn hóa:
+ Căn phòng, nhà cửa gọn gàng ngăn nắp;
+ Trồng hoa tô điểm cho cuộc sống của mình
+ Nuôi gà tăng gia sản xuất, phục vụ cho cuộc sống của chính mình
+ Thỉnh thoảng xuống núi tìm gặp lái xe cùng hành khách để trò chuyện cho vơi nỗi nhớ nhà.
-> Anh thanh niên có tinh thần lạc quan, yêu đời, sống khoa học.
=> Anh thanh niên đã chiến thắng nỗi cô đơn và tạo cho mình một cuộc sống đẹp đẽ đầy ý nghĩa với một niềm yêu đơi, yêu cuộc sống say mê.
* Luận điểm 4: Anh thanh niên cởi mở, chân thành, hiếu khách, chu đáo.
– Niềm vui được đón tiếp khách dào dạt trong anh, bộc lộ qua từng cử chỉ, nét mặt, lời nói:
+ Biếu bác lái xe củ tam thất
+ Tặng bó hoa cho cô gái
+ Tặng giỏ trứng gà cho ông họa sĩ
– Anh thanh niên đã bộc bạch nỗi lòng, sẻ chia tâm sự với các vị khách một cách rất cởi mở, không hề giấu giếm
=> Sự cởi mở, những lời tâm sự chân thành của anh thanh niên đã giúp xóa bỏ khoảng cách giữa họ, tạo mối tâm giao đầy thân tình, cảm động.
* Luận điểm 5: Anh thanh niên là người rất khiêm tốn, giản dị, lễ phép.
– Khi ông họa sĩ bày tỏ ý muốn phác họa chân dung mình, anh từ chối vì tự thấy mình không xứng đáng với niềm cảm mến và sự tôn vinh ấy
– Anh giới thiệu cho ông họa sĩ về ông kĩ sư ở vườn rau, nhà khoa học nghiên cứu sét…
-> Anh chỉ dám nhận phần nhỏ bé, bình thường so với bao nhiêu người khác.
* Đánh giá về nghệ thuật xây dựng nhân vật
– Nhân vật được lí tưởng hóa từ nhiều điểm nhìn, nhiều góc nhìn
– Nhân vật được đặt trong tình huống đặc sắc:
+ Là thanh niên trẻ trung, sôi nổi, yêu đời nhưng lại làm việc ở một nơi heo hút, hẻo lánh và cô đơn.
+ Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa anh với ông họa sĩ, cô kĩ sư trên đỉnh Yên Sơn đã giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của anh.
– Không gọi nhân vật bằng tên cụ thể mà bằng đặc điểm giới tính, nghề nghiệp
– Khắc họa nhân vật qua những chi tiết nghệ thuật đặc sắc, giàu sức gợi.
3. Kết bài cảm nhận NV anh thanh niên
– Cảm nhận của em về nhân vật anh thanh niên.
– Liên hệ thế hệ trẻ hiện nay.
IV. Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Bình Thuận năm 2020
Chi tiết đề thi vào lớp môn Văn của Bình Thuận 2022
Sở GD&ĐT Bình Thuận ĐỀ CHÍNH THỨC |
KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 NĂM HỌC: 2020 – 2021 Môn: Ngữ Văn |
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc kỹ các đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi 1, 2, 3, 4.
Trích 1:
“Ta hát bài ca gọi cá vào,
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao.
Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.”
Câu 1. Đoạn thơ trích trong tác phẩm nào ? Tác giả là ai ? (0,5 điểm)
Câu 2. Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong hai câu thơ cuối. (1,0 điểm)
Trích 2: “Nghe gọi, con bé giật mình, tròn mắt nhìn. Nó ngơ ngác, lạ lùng. Còn anh, anh không ghìm nổi xúc động.”
(Trích Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang Sáng, SGK Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục, 2014, tr.195).
Câu 3. Tìm hai từ láy được sử dụng trong đoạn văn. (0,5 điểm)
Câu 4. Hai câu văn đầu liên kết với nhau bằng phép liên kết gì ? Từ ngữ nào dùng để liên kết ? (1,0 điểm)
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (3,0 điểm).
“Thời gian là vàng”.
Em hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) nêu suy ngẫm của bản thân về câu ngạn ngữ trên.
Câu 2. (4,0 điểm) Cảm nhận của em về hai khổ thơ sau:
“Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.”
(Trích Ánh trăng, Nguyễn Duy, SGK Ngữ văn lớp 9, tập một, NXB Giáo dục, 2014, tr.156)
Đáp án đề thi môn Văn vào lớp 10 Bình Thuận 2020
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Trích 1:
Câu 1. Đoạn thơ trích trong tác phẩm Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận
Câu 2. Biện pháp tu từ so sánh. Tác dụng:
– Biển rất giàu đẹp: cho con người cá, cung cấp nguồn hải sản vô cùng phong phú.
– Biển cả đối với ngư dân cũng rất ý nghĩa thủy chung, bao la như lòng mẹ chờ che nuôi nấng họ lớn lên, bao bọc họ với một tình cảm trìu mến, thân thương.
Trích 2:
Câu 3. hai từ láy được sử dụng: ngơ ngác, lạ lùng
Câu 4. Hai câu văn đầu liên kết với nhau bằng phép thế: “con bé” = “nó”
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (3,0 điểm).
*Dẫn dắt vào vấn đề: Có người từng nói: ”Người nào dám lãng phí một giờ đồng hồ nghĩa là chưa phát hiện giá trị của cuộc sống”. Thời gian là thứ có giá trị không thể nào đong đếm được.
*Bàn luận, phân tích
– Thời gian là một thứ trừu tượng, trôi qua từng ngày, ta không cảm nhận thời gian một cách trực quan như nhìn hay chạm vào, ta cảm sự trôi chảy của thời gian qua sự thay đổi của sự vật tồn tại xung quanh mình.
– Thời gian là thứ tiền bạc không thể mua được, một đi không trở lại, một khi đã qua đi không thể nào lấy lại được. Nếu để lỡ mất thời gian dù có hối tiếc cũng thể lấy lại được. (“Nếu một người cho bạn thời gian của của mình, anh ta không thể cho bạ món quà nào quý giá hơn nữa”)
– Thời gian giúp vạn vật vận động theo đúng quy luật, trình tự của nó (con người, cây cối trưởng thành rồi chết đi, xã hội cũng thay đổi theo thời gian).
– Thời gian giúp con người tích lũy được giá trị, không chỉ vật chất mà quan trọng hơn là tinh thần, nếu biết tận dụng tốt sẽ tích sẽ khiến giá trị bản thân tăng lên (trưởng thành hơn, hiểu biết hơn, …)
– Thời gian giúp thay đổi suy nghĩ, tình cảm của con người: giúp xóa nhòa nỗi đau, hận thù, thậm chí làm phai nhạt tình cảm yêu thương, thay đổi tính tình của con người.
*Mở rộng vấn đề
– Quý trọng thời gian không có nghĩa là phải sống gấp gáp, chạy theo thời gian mà là biết trân trọng từng giây, sống hết mình, cống hiến hết mình cho cuộc đời.
– Không chỉ dành thời gian ra để làm việc như một cỗ máy mà cũng cần cả thời gian nghỉ ngơi hợp lí, quan tâm yêu thương mọi người xung quanh có như vậy mới là tận dụng hết giá trị đích thực của thời gian.
– Ngày nay vẫn còn một bộ phận giới trẻ chưa biết quý trọng giá trị của thời gian, để thời gian trôi đi vô nghĩa, không tích lũy được giá trị cho bản thân: VD: chỉ biết vui chơi, thay vì tận dụng thời gian để học lại sa vào trang mạng xã hội than thở học vất vả, …
*Liên hệ bản thân
– Cần có thái độ phê phán những người không biết quý trọng thời gian.
– Là một học sinh cần ý thức được giá trị quý báu của thời gian để tránh làm lãng phí thời gian của mình cũng như của những người xung quanh.
II. Phần làm văn
Câu 2.
Mở bài:
– Giới thiệu ngắn gọn tác giả, tác phẩm.
– Trích dẫn được 2 khổ thơ: là dòng cảm xúc và suy ngẫm của tác giả trước vầng trăng.
Thân bài: Cảm xúc và suy ngẫm của tác giả trước vầng trăng.
– Từ “mặt” được dùng với nghĩa gốc và nghĩa chuyển – mặt trăng, mặt người – trăng và người cùng đối diện đàm tâm.
– Với tư thế “ngửa mặt lên nhìn mặt” người đọc cảm nhận sự lặng im, thành kính và trong phút chốc cảm xúc dâng trào khi gặp lại vầng trăng: “có cái gì rưng rưng”. Rưng rưng của những niềm thương nỗi nhớ, của những lãng quên lạnh nhạt với người bạn cố tri; của một lương tri đang thức tỉnh sau những ngày đắm chìm trong cõi u mê mộng mị; rưng rưng của nỗi ân hận ăn năn về thái độ của chính mình trong suốt thời gian qua. Một chút áy náy, một chút tiếc nuối, một chút xót xa đau lòng, tất cả đã làm nên cái “rưng rưng”,cái thổn thức trong sâu thẳm trái tim người lính.
– Và trong phút giây nhân vật trữ tình nhìn thẳng vào trăng- biểu tượng đẹp đẽ của một thời xa vắng, nhìn thẳng vào tâm hồn của mình, bao kỷ niệm chợt ùa về chiếm trọn tâm tư. Kí ức về quãng đời ấu thơ trong sáng, về lúc chiến tranh máu lửa, về cái ngày xưa hồn hậu hiện lên rõ dần theo dòng cảm nhận trào dâng, “như là đồng là bể, như là sông là rừng”. Đồng, bể, sông, rừng, những hình ảnh gắn bó nơi khoảng trời kỷ niệm.
→ Cấu trúc song hành của hai câu thơ, nhịp điệu dồn dập cùng biện pháp tu từ so sánh, điệp ngữ và liệt kê như muốn khắc họa rõ hơn kí ức về thời gian gắn bó chan hòa với thiên nhiên, với vầng trăng lớn lao sâu nặng, nghĩa tình, tri kỷ. Chính thứ ánh sáng dung dị đôn hậu đó của trăng đã chiếu tỏ nhiều kỉ niệm thân thương, đánh thức bao tâm tình vốn tưởng chừng ngủ quên trong góc tối tâm hồn người lính. Chất thơ mộc mạc chân thành như vầng trăng hiền hòa, ngôn ngữ hàm súc, giàu tính biểu cảm như “có cái gì rưng rưng”,đoạn thơ đã đánh động tình cảm nơi người đọc.
– Hình ảnh “trăng cứ tròn vành vạnh” là tượng trưng cho quá khứ nghĩa tình, thủy chung, đầy đặn, bao dung, nhân hậu.
– Hình ảnh “ánh trăng im phăng phắc” mang ý nghĩa nghiêm khắc nhắc nhở, là sự trách móc trong lặng im. Chính cái im phăng phắc của vầng trăng đã đánh thức con người, làm xáo động tâm hồn người lính năm xưa. Con người “giật mình” trước ánh trăng là sự bừng tỉnh của nhân cách, là sự trở về với lương tâm trong sạch, tốt đẹp. Đó là lời ân hận, ăn năn day dứt, làm đẹp con người.
Tổng kết:
*Nghệ thuật:
– Thể thơ 5 chữ, phương thức biểu đạt tự sự kết hợp với trữ tình.
– Giọng thơ mang tính tự bạch, chân thành sâu sắc.
– Hình ảnh vầng trăng – ánh trăng mang nhiều tầng ý nghĩa.
*Nội dung:
– Bài thơ là một lời tự nhắc nhở của tác giả về những năm tháng gian lao của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu.
– Gợi nhắc, củng cố ở người đọc thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ.
Nguồn: doctailieu.com
V. Lời kết
Hy vọng với bộ đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Bình Thuận các năm ở trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cấu trúc đề thi cũng như rèn luyện kỹ năng viết văn nhuần nhuyễn nhất. Chúc bạn sẽ hoàn thành thật tốt bài thi sắp tới. Ngoài ra cùng đừng quên truy cập Muaban.net để có thể cập nhật nhanh nhất các đề tuyển sinh, đề minh họa THPT quốc gia… hay thông tin hay về tìm việc làm, ô tô, xe máy, bất động sản,…
Tham khảo tin tuyển dụng việc làm part-time dành cho HSSV:
Xem thêm:
- Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Bến Tre 2023-2024 (kèm đáp án chi tiết)
- Tổng hợp đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn tỉnh Kon Tum (kèm đáp án mới nhất)
- Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn tỉnh Sóc Trăng (kèm đáp án) mới nhất