Nếu bạn đang điều khiển xe ô tô hằng ngày thì nhất định phải nắm vững quy định về tốc độ xe ô tô để làm chủ các tình huống giao thông và có hướng xử lý tối ưu nhất khi di chuyển trên nhiều cung đường tại Việt Nam. Quy định về tốc độ xe ô tô là như thế nào? mức xử phạt đối với xe ô tô lưu thông quá tốc độ là bao nhiêu? là những thắc mắc được khá nhiều người cầm lái quan tâm. Bài viết này được Muaban.net tổng hợp để gửi đến quý bạn đọc những cập nhật mới nhất về quy định tốc độ xe ô tô 2022.
Quy định tốc độ xe ô tô 2022 khi tham gia giao thông
Hiện nay, luật giao thông đường bộ theo thông tư 91/2015/TT-BGTVT đã có những quy định rõ ràng và chi tiết về tốc độ ô tô khi tham gia giao thông. Tùy từng khu vực mà có quy định khác nhau, cụ thể:
Quy định tốc độ xe ô tô 2022 trong khu đông dân cư
Khu đông vực đông dân cư thường là nơi tập hợp nhiều cơ quan, trường học, chợ búa,… có mật độ dân số cao cùng với đó là tấp nập xe cộ đang lưu thông trên đường. Vì vậy, khi tham gia giao thông trong các khu đông dân cư đông đúc, chủ phương tiện cần lưu ý tuân thủ theo quy định về tốc độ nhằm tránh xảy ra va chạm, hạn chế những tình huống bất ngờ và đảm bảo an toàn cho lái xe cũng như cho nhiều phương tiện và con người trong khu vực này.
- Đối với đường đôi (có dải phân cách ở giữa), đường một chiều có từ 02 làn xe cơ giới trở lên: quy định tốc độ xe ô tô tối đa cho phép là 60 km/h.
- Đối với đường hai chiều không có dải phân cách ở giữa, đường một chiều có 01 làn xe cơ giới: quy định tốc độ xe ô tô tối đa cho phép là 50 km/h.
Quy định tốc độ xe ô tô 2022 ngoài khu đông dân cư
Ngược lại, ngoài khu đông dân cư có mật độ dân cư thưa hơn và ít phương tiện lưu thông trên đường trên nên tốc độ khi di chuyển trong khu vực này có phần cao hơn. Và chắc chắn chủ xe ô tô cũng cần phải tuân thủ quy định về tốc độ khi lưu thông đó là:
- Đối với xe ô tô con, xe ô tô chở người đến 30 chỗ (ngoại trừ xe bus), xe ô tô có tải trọng dưới 3,5 tấn: quy định tốc độ xe ô tô tối đa cho phép là 90 km/h khi tham gia lưu thông trên đường đôi hoặc đường một chiều có từ 02 làn xe cơ giới trở lên; và tốc độ xe ô tô tối đa cho phép là 80 km/h khi di chuyển trên một chiều có 01 làn xe cơ giới hoặc đường hai chiều không dải phân cách.
- Đối với xe ô tô trên 30 chỗ ngồi (ngoại trừ xe bus), xe ô tô có tải trọng trên 3,5 tấn: quy định tốc độ xe ô tô tối đa cho phép là 80 km/h tại đường đôi hoặc đường một chiều có từ 02 làn xe cơ giới trở lên; và tốc độ xe ô tô tối đa cho phép là 70 km/h khi lưu thông trên đường một chiều có 01 làn xe cơ giới hoặc đường hai chiều không có dải phân cách ở giữa.
- Đối với xe ô tô chuyên dụng, xe ô tô đầu kéo sơ mi rơ moóc hoặc xe bus: quy định tốc độ xe ô tô tối đa cho phép là 70 km/h khi di chuyển trên đường đôi hoặc đường một chiều có từ 02 làn xe cơ giới trở lên; và tốc độ xe ô tô tối đa cho phép là 60 km/h tại đường một chiều có 01 làn xe cơ giới hoặc đường hai chiều không có dải phân cách ở giữa.
- Đối với xe ô tô kéo rơ moóc, xe ô tô kéo xe khác, xe ô tô xi téc, xe ô tô trộn vữa, bê tông: quy định tốc độ xe ô tô tối đa cho phép là 60 km/h khi tham gia lưu thông trên đường đôi hoặc đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên; và tốc độ xe ô tô tối đa cho phép là 50 km/h tại đường một chiều có 01 làn xe cơ giới hoặc đường hai chiều không có dải phân cách ở giữa.
Lưu ý trong cách xác định khu dân cư và ngoài khu dân cư:
Dựa theo Quy chuẩn biển báo hiệu đường bộ 41/2019 chính thức đã quy định về biển báo R.420 – “Bắt đầu khu đông dân cư” và “Hết khu đông dân cư”- R.421. Có thể hiểu rằng biển báo “Bắt đầu khu đông dân cư” – R.420 có hiệu lực từ vị trí đặt biển báo đối với mọi tuyến đường thuộc khu đông dân cư đến điểm đặt biển báo “Hết khu đông dân cư” – R.421.
Tuy nhiên, trong đô thị có nhiều nút giao, vì thế không thể đặt biển báo nhắc lại tại mỗi nút giao nên các chủ xe ô tô cần thận trọng lưu ý là chỉ khi nhìn thấy biển báo R.421 thì biển báo R.420 mới thật sự hết hiệu lực, lúc đó chủ xe ô tô mới có thể tăng tốc.
Sau khi nắm rõ được những quy định tốc độ xe ô tô 2022 ở từng khu vực lưu thông khác nhau, không ít người còn thắc mắc về mức xử phạt dành cho xe ô tô nếu chạy quá tốc độ là bao nhiêu? Cùng theo dõi phần tiếp theo đây của bài viết để có câu trả lời chi tiết nhất về vấn đề này.
>>> Tham khảo thêm: Quy trình thuê xe ô tô tự lái và những điều nhất định phải biết
Quy định mức phạt quá tốc độ xe ô tô 2022 mới nhất
Bất kể là phương tiện giao thông nào nếu chủ xe điều khiển quá tốc độ đều là mối rủi ro vô cùng lớn. Không ít báo đài đã đưa tin về những tai nạn thảm khốc để lại hậu quả nặng nề về tính mạng con người và mất mát tài sản chỉ vì các phương tiện di chuyển quá tốc độ quy định.
Để hạn chế mối rủi ro này, vào năm 2022, Nhà nước đã thống nhất ban hành lại quy định mức xử phạt khi xe lưu thông quá tốc độ trên đường. Những người cầm lái xe ô tô sẽ bị xử phạt hành chính đồng thời bị tước giấy phép lái xe có thời hạn nếu chạy quá tốc độ trên khu vực quy định, cụ thể:
- Trường hợp xe ô tô lưu thông quá tốc độ cho phép từ 05 – dưới 10 km/h sẽ bị xử phạt hành chính từ 800.000 – 1.000.000 đồng và bị tước giấy phép lái xe với thời hạn từ 01 – 03 tháng theo quy định đã ban hành.
- Trường hợp xe ô tô lưu thông quá tốc độ cho phép từ 10 – 20 km/h sẽ bị xử phạt hành chính từ 4.000.000 – 6.000.000 đồng, đồng thời bị tước giấy phép lái xe với thời hạn từ 01 – 03 tháng theo quy định đã ban hành.
- Trường hợp xe ô tô lưu thông quá tốc độ cho phép từ 20 – 35 km/h sẽ bị xử phạt hành chính từ 6.000.000 – 8.000.000 đồng và sẽ bị tước giấy phép lái xe trong vòng từ 02 – 04 tháng theo quy định đã ban hành.
- Trường hợp xe ô tô lưu thông quá tốc độ cho phép trên 35 km/h thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 10.000.000 – 12.000.000 VNĐ, đồng thời sẽ bị tước giấy phép lái xe trong vòng từ 02 – 04 tháng trên quy định đã ban hành.
Với khung hình phạt chạy quá tốc độ được quy định rõ ràng và chi tiết, có thể thấy rằng mức phạt này là không phải là con số nhỏ, đặc biệt với những người làm kinh doanh dịch vụ xe tải hoặc xe taxi. Để tránh việc mất tiền do bị “bắn tốc độ” và hơn thế nữa là đảm bảo an toàn cho bản thân cùng những người khác, người tham gia giao thông, đặc biệt là người điều khiển xe ô tô cần tuân thủ đúng quy định tốc độ xe ô tô 2022.
Liệu có xử phạt xe ô tô di chuyển với tốc độ chậm?
Như đã tìm hiểu ở phần trên, xe ô tô di chuyển quá tốc độ cho phép thì chắc chắn đã vi phạm luật giao thông và sẽ bị xử phạt theo từng mức độ thích đáng. Ngược lại, nếu hành vi điều khiển xe ô tô chậm hơn thì có bị xử phạt không? Câu trả lời sẽ được trình bày ngay sau đây:
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, đối với các trường hợp phương tiện giao thông đường bộ đi chậm và gây ảnh hưởng đến hệ thống giao thông thì sẽ có những chế tài xử phạt cụ thể là:
- Theo điểm b khoản 2 điều 5, phạt hành chính từ 400.000 đến 600.000 đồng với những trường hợp: người điều khiển xe ôtô, phương tiện tương tự xe ô tô chạy thấp hơn so với phương tiện di chuyển cùng chiều mà không đi về phía bên phải phần đường xe chạy, ngoại trừ trường hợp các phương tiện giao thông khác đi cùng chiều và lưu thông quá tốc độ tối đa cho phép.
- Theo điểm s khoản 3 điều 5, phạt hành chính từ 800.000 đến 1.000.000 đồng cho những trường hợp: người cầm lái xe ô tô và phương tiện tương tự như xe ô tô chạy dưới tốc độ tối thiểu trên các đoạn đường bộ có biển báo quy định tốc độ tối thiểu cho phép xe ô tô lưu thông.
Như vậy, người điều khiển xe ô tô đi chậm chỉ bị phạt hành chính và không áp dụng bất kỳ hình thức xử phạt bổ sung nào, kể cả việc tạm giữ phương tiện có thời hạn. Tuy nhiên, người điều khiển xe cần chấp hành đúng với quy định của luật giao thông để không gây ảnh hưởng đến hệ thống giao thông nói chung.
Khoảng cách an toàn giữa hai phương tiện
Tại Điều 11 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT, trong trường hợp giao thông thuận lợi và thời tiết khô ráo thì quy định về khoảng cách tối thiểu để giữ an toàn giữa 02 xe khi cùng tham gia lưu thông trên đường, cụ thể là:
- Khoảng cách an toàn tối thiểu là 35m nếu tốc độ lưu hành là 60 km/h.
- Khoảng cách an toàn tối thiểu là 55m nếu tốc độ lưu hành từ trên 60 – 80 km/h.
- Khoảng cách an toàn tối thiểu là 70m nếu tốc độ lưu hành từ trên 80 – 100 km/h.
- Khoảng cách an toàn tối thiểu là 100m nếu tốc độ lưu hành từ trên 100 – 120 km/h.
Trường hợp tốc độ xe ô tô lưu thông dưới 60 km/h thì tùy thuộc vào mật độ các phương tiện giao thông và tình hình giao thông thực tế tại thời điểm đó mà người cầm lái xe ô tô cần linh hoạt giữ khoảng cách an toàn phù hợp với xe phía trước.
Ngoài ra, người điều khiển xe ô tô cần đặc biệt lưu ý khi di chuyển dưới điều kiện giao thông phức tạp và thời tiết xấu như mưa, giông hay bão. Trong trường hợp này, lái xe ô tô cần chủ động giữ khoảng cách xa hơn so với khoảng cách an toàn tối thiểu khi lưu thông trong điều kiện giao thông thuận lợi, thời tiết khô ráo.
>>> Tham khảo thêm: Học lái xe ô tô cần thuộc nằm lòng 5 điều này!
Tham khảo ô tô tại muaban.net |
Các loại biển báo tốc độ người điều khiển ô tô cần nắm rõ
Vậy biển báo tốc độ là gì? Biển báo tốc độ là những loại biển báo quy định rõ về mức tốc độ được cho phép lưu thông của các phương tiện hoặc quy định về các vấn đề có liên quan đến tốc độ bắt buộc người điều khiển phương tiện giao thông, đặc biệt là điều khiển xe ô tô cần phải chú ý tối đa khi lưu thông.
Tại sao cần phải nắm vững các loại biển báo tốc độ khi tham gia giao thông? Người cầm lái xe ô tô phải hiểu rõ về các biển báo tốc độ để có thể tuân theo những chỉ dẫn trên biển báo tốc độ, vì khi vi phạm dù là cố ý hay vô ý thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định trong lĩnh vực giao thông.
Dưới đây liệt kê ra một số biển báo tốc độ phổ biến khi lưu thông trên đường bộ, mời bạn đọc cùng theo dõi và lưu tâm vì nó sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn sau này:
Biển báo thể hiện tốc độ tối đa cho phép
Được ký hiệu là P.127, biển báo thể hiện tốc độ tối đa cho phép nhằm báo hiệu tốc độ tối đa được cho phép của các xe cơ giới, ngoại trừ những xe được ưu tiên. Biển báo này mang ý nghĩa là các loại xe cơ giới không được di chuyển với tốc độ lớn hơn so với trị số được ghi trên biển báo. Thường thì những biển báo này được đặt tại những đoạn đường đi ngang qua khu vực đông cư dân, tấp nập xe cộ qua lại, hay công trình và khu vực cần phải hạn chế tốc độ các phương tiện giao thông qua lại.
Ví dụ: Trường hợp trên biển báo ghi là 40 thì người lái xe ô tô phải hiểu rằng chỉ được phép vận hành xe với tốc độ tối đa được cho phép là 40 km/h, nếu di chuyển xe ô tô với tốc độ lớn hơn trị số trên biển báo thì người điều khiển xe ô tô sẽ bị xử phạt dựa trên luật giao thông hiện hành.
Biển báo quy định tốc độ tối thiểu cho phép
Được ký hiệu là R.306, biển báo tốc độ tối thiểu cho phép nhằm báo hiệu tốc độ tối thiểu được cho phép đối với các xe cơ giới. Trong trường hợp này, các loại xe cơ giới không được phép lưu thông với tốc độ nhỏ hơn trị số được ghi trên biển báo trong điều kiện giao thông an toàn và thuận lợi. Nếu các loại xe cơ giới có tốc độ tối đa theo quy định của nhà sản xuất xe không thể đạt tốc độ tối thiểu như đã ghi trên biển báo thì không được phép di chuyển trên đường này.
Ví dụ: Nếu trên biển báo ghi là 30 thì các lái xe, kể cả lái xe ô tô khi đi vào phần đường có gắn biển báo này thì phải di chuyển với tốc độ tối thiểu cho phép là 30 km/h, người cầm lái xe ô tô sẽ bị xử phạt khi đi với tốc độ nhỏ hơn trị số được ghi trên biển báo.
Biển báo hết hạn chế tốc độ giới hạn
Đối với biển báo hết hạn chế tốc độ tối đa
- Biển báo “Hết tốc độ tối đa cho phép” – số DP.134 thông báo với người lưu thông trên đường đã hết đoạn đường giới hạn tốc độ tối đa. Kể từ vị trí đặt biển báo, mọi phương tiện đang lưu thông được phép đi với tốc độ tối đa đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ.
- Biển báo “Hết tất cả các lệnh cấm” – số DP.135 thông báo với người đang lưu thông trên đường đã đến đoạn đường mà nhiều biển báo cấm trước đó cùng hết hiệu lực.
- Biển báo”Biển hết tốc độ tối đa cho phép theo biển ghép”- số DP.127 nhằm thông báo với người đi đường đã hết đoạn đường tốc độ tối đa cho phép theo biển ghép. Kể từ vị trí đặt biển báo này, các phương tiện giao thông được phép di chuyển với tốc độ tối đa đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ.
Đối với biển báo hết hạn chế tốc độ tối thiểu
Biển báo mang ký hiệu R.307 thông báo với người đang tham gia giao thông đã hết đoạn đường tốc độ tối thiểu. Kể từ vị trí biển báo này trở đi, các phương tiện được phép di chuyển chậm hơn so với trị số được ghi trên biển báo tuy nhiên không được gây cản trở cho các xe khác.
Như vậy, thông qua bài viết này, Muaban.net đã cung cấp cho bạn đọc về những cập nhật mới nhất về quy định tốc độ xe ô tô 2022 cùng nhiều kiến thức hữu ích khi tham gia giao thông bằng xe ô tô. Hy vọng các bạn đã nắm rõ được ý nghĩa của những biển báo tốc độ phổ biến trên đường và biết được mức phạt khi di chuyển ô tô quá tốc độ là bao nhiêu. Hãy tuân thủ quy định tốc độ xe ô tô 2022 để đảm bảo an toàn cho chính bạn và những người xung quanh.
>>> Xem thêm:
- Phân loại các loại bằng lái xe ô tô hiện hành – Quy định của từng loại bằng
- Thủ tục sang tên xe ô tô theo quy định mới nhất
- Quy định về bảo dưỡng ô tô định kỳ tính theo km ít người biết