Mức lương cơ sở có ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và khoản trợ cấp xã hội của người lao động. Vậy mức lương cơ sở 2023 là bao nhiêu và có sự điều chỉnh so với mức lương cơ sở cũ bao nhiêu? Bài viết dưới đây, Mua Bán sẽ giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc này!
1. Mức lương cơ sở 2023 – Áp dụng mức lương cơ sở mới
Theo khoản 2, Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định về mức lương cơ sở như sau: Chính thức từ 01 tháng 7 năm 2023, mức lương cơ sở có mức là 1.800.000 đồng/tháng.
Tuy nhiên sẽ có 02 mức lương cơ sở được áp dụng trong năm 2023 bao gồm:
- Từ ngày 01/01/2023 – 30/6/2023: mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng;
- Từ ngày 01/7/2023: mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng.
2. Các khoản thu nhập, trợ cấp được dùng mức lương cơ sở 2023 làm căn cứ
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP, mức lương cơ sở dùng làm căn cứ:
a) Tính mức lương của bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện những chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng được quy định tại Điều 2 Nghị định này;
b) Tính mức hoạt động phí và sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;
c) Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng dựa trên mức lương cơ sở.
Tham khảo thêm: Thông tin từ A-Z về mức lương cơ bản của nhân viên bán hàng
3. Đối tượng áp dụng mức lương cơ sở 2023
Theo Điều 1 Nghị định 38/2022/NĐ-CP về phạm vi điều chỉnh đối tượng áp dụng mức lương cơ sở 2023, cụ thể:
Mức lương cơ sở sẽ được áp dụng đối với:
- Cán bộ; công chức; viên chức; người hưởng lương; phụ cấp; người lao động (các đối tượng này gọi chung là người hưởng lương, phụ cấp); hiện đang làm việc tại các cơ quan, tổ chức nhà nước.
- Hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động tại trung ương; tỉnh; thành phố trực thuộc trung ương; huyện; quận; thị xã; thành phố thuộc tỉnh; thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (cấp huyện); ở xã; phường; thị trấn (cấp xã); ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.
Trong đó, theo Điều 2 Nghị định 38/2022/NĐ-CP; người hưởng lương, phụ cấp kể trên sẽ bao gồm những đối tượng sau:
Người hưởng lương, phụ cấp quy định tại Điều 1 Nghị định này, bao gồm:
1. Cán bộ; công chức từ trung ương đến cấp huyện được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 4 – Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật Cán bộ, công chức Luật Viên chức năm 2019).
2. Cán bộ; công chức cấp xã được quy định tại khoản 3 Điều 4 – Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật Cán bộ, công chức Luật Viên chức năm 2019).
3. Viên chức được quy định tại Luật Viên chức năm 2010 (được sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức Luật Viên chức năm 2019).
4. Những người làm các công việc dựa trên chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định 111/2022/NĐ-CP vào ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trường hợp được áp dụng hoặc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động về việc áp dụng xếp lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
5. Người hiện làm việc tại chỉ tiêu biên chế trong các hội ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động quy định tại Nghị định 45/2010/NĐ-CP vào ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức; hoạt động; quản lý hội (sửa đổi và bổ sung tại Nghị định 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ).
6. Sĩ quan; quân nhân chuyên nghiệp; hạ sĩ quan; binh sĩ; công nhân; viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng tại Quân đội nhân dân Việt Nam.
7. Sĩ quan; hạ sĩ quan; hạ sĩ quan hưởng lương; chiến sĩ nghĩa vụ; công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân.
8. Người hiện làm việc trong tổ chức cơ yếu.
9. Người hoạt động không chuyên trách tại cấp xã, tại thôn và tổ dân phố.
Tham khảo thêm: Lương cứng là gì & Cách tính lương cứng “chuẩn xác” nhất
4. Công thức tính tiền lương dựa vào mức lương cơ sở 2023
Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 vào ngày 11/11/2022. Theo đó, bắt đầu từ ngày 01/7/2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước từ 1.490.000 đồng/tháng lên mức 1.800.000 đồng/tháng, tức tăng 20,8% so với mức lương cơ sở trước đó.
Hiện nay, theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, tiền lương công chức, viên chức sẽ được tính bằng công thức sau:
Tiền lương = Lương cơ sở x Hệ số lương |
Ví dụ:
Trong thực tế, công chức thuộc loại A1 hiện nay có hệ số lương khởi điểm là 2,34.
Như vậy, nếu tính theo mức lương cơ sở trước ngày 01/7/2023 là 1.490.000 đồng/tháng
=> Tiền lương nhận được là 1.490.000 x 2,34 = 3.486.600 đồng/tháng.
Nếu tính theo mức lương cơ sở 1.800.000 đồng được quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP tính từ ngày 01/7/2023 thì tiền lương có thể lên tới 4.212.000 đồng/tháng.
Có thể thấy, so với mức lương cơ sở cũ thì mức lương cơ sở hiện hành đối với cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng hơn 725.400 đồng/tháng.
Tham khảo thêm: Quỹ lương là gì? Quy định và cách lập kế hoạch quỹ lương
5. Phân biệt mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng 2023
Mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng là hai khái niệm khác nhau liên quan đến việc quy định mức lương tối thiểu của công nhân, viên chức và người lao động tại Việt Nam.
Mức lương cơ sở là cơ sở dùng làm căn cứ để tính mức lương trong bảng lương hay mức phụ cấp trong các bằng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác, áp dụng trên toàn quốc, do Chính phủ quy định và điều chỉnh. Bên cạnh đó, mức lương cơ sở còn dùng để tính mức hoạt động phí và sinh hoạt phí dựa theo quy định của pháp luật.
Mức lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất áp dụng trong từng vùng cụ thể tại Việt Nam, làm cơ sở cho doanh nghiệp thỏa thuận và trả lương cho người lao động. Chính phủ sẽ quy định và điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng dựa trên sự khác biệt về chi phí sinh hoạt, giá cả và điều kiện kinh tế – xã hội giữa các vùng. Mức lương tối thiểu sẽ được trả cho người lao động làm trong môi trường làm việc bình thường, đảm bảo đủ thời gian làm việc trong tháng, hoàn thành các công việc đã được thỏa thuận trước đó.
Như vậy, khác với mức lương cơ sở áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức,… thì mức lương tối thiểu vùng sẽ áp dụng cho các đối tượng:
- Các doanh nghiệp thành lập, hoạt động dựa trên Luật doanh nghiệp
- Hợp tác xã; liên hiệp hợp tác xã; tổ hợp tác; trang trại; hộ gia đình; cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam hiện đang thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động.
- Cơ quan; tổ chức nước ngoài; tổ chức quốc tế và cá nhân nước ngoài tại Việt Nam hiện đang thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động, trừ trường hợp điều ước quốc tế có Việt Nam là thành viên sẽ quy định khác.
- Người lao động hiện đang làm việc theo chế độ hợp đồng lao động.
Nhìn chung, đối tượng áp dụng của hai loại mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng 2023 là khác nhau. Mức lương cơ sở sẽ áp dụng với các cán bộ, công chức, viên chức, quân đội, công an, tổ chức chính trị xã hội,… Mức lương tối thiểu vùng sẽ áp dụng cho doanh nghiệp, người lao động, hợp tác xã, công ty nước ngoài,…
Tham khảo thêm một số tin đăng tuyển dụng việc làm lương cao ngay tại website Muaban.net:
Bài viết trên đây, Mua Bán đã cung cấp thông tin về sự thay đổi mức lương cơ sở 2023 tính từ ngày 01/7/2023. Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ có nhiều động lực hơn trong công việc và sự nghiệp. Theo dõi Mua Bán để cập nhật những thông tin về việc làm, tuyển sinh và các tin tức thú vị nhé!
Xem thêm:
- Những việc làm thêm tại nhà cho học sinh dễ tìm, thu nhập cao 2023
- Tuyển Sinh Đại Học Luật Hà Nội 2023: Công Bố Đề Án Tuyển Sinh Mới Nhất
- Lương cơ bản là gì? Cách tính lương cơ bản mới nhất 2023 mà bạn nên biết
Trần Ánh Tuyết