Cách tính bảo hiểm thai sản năm 2023 như thế nào hẳn là chủ đề được nhiều chị em sắp bước vào thời kỳ làm mẹ đều quan tâm. Sau đây là cách tính bảo hiểm thai sản chi tiết, bạn có thể áp dụng xem mình sẽ được bao nhiêu tiền thai sản và có những chế độ, trợ cấp gì nhé!
1. Tìm hiểu về chế độ thai sản
Theo như quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động (bao gồm cả nam và nữ) sẽ được hưởng chế độ thai sản nếu thuộc 1 trong các trường hợp dưới đây:
- Lao động (LĐ) nữ đang mang thai;
- LĐ nữ sanh con;
- LĐ nữ đang mang thai hộ, mẹ nhờ mang thai hộ;
- Người LĐ đang có con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
- LĐ nữ đang sử dụng các biện pháp tránh thai, triệt sản;
- Trường hợp LĐ nam có vợ sinh con và đang đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) theo quy định.
Điều kiện để được hưởng chế độ thai sản của người LĐ được quy định rất rõ tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Cụ thể như sau:
Trường hợp lao động nữ sanh con:
- LĐ nữ khi sinh con muốn được hưởng chế độ thai sản thì cần phải phải đóng BHXH từ 6 tháng trở lên trong vòng gian 12 tháng trước thời gian sinh con.
- Nếu LĐ nữ đã đóng BHXH đủ 12 tháng trở lên nhưng vì lý do sức khỏe nên phải nghỉ việc sớm hơn để dưỡng thai có giấy xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh thì cần đóng BHXH từ 3 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sanh con.
- Tại Điều 34, 36 và 38, khoản 1 Điều 39 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định rõ về trường hợp LĐ nữ sinh con nhưng chấm dứt hợp đồng lao động, thôi việc trước khi sinh con hoặc là đang nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
- Riêng LĐ nam nếu muốn được nhận bảo hiểm thai sản khi vợ sinh con thì cần phải đáp ứng điều kiện cơ bản đó là đã và đang đóng BHXH đầy đủ.
Có thể bạn quan tâm: Bảo hiểm tai nạn lao động là gì? Đối tượng tham gia và mức đóng năm 2023
2. Hướng dẫn cách tính tiền bảo hiểm thai sản khi sinh con
Tùy vào từng trường hợp mà sẽ có cách tính bảo hiểm thai sản cũng như chế độ khám thai và trợ cấp khi sinh con khác nhau.
2.1 Chế độ khi khám thai
Tại Điều 32 của Luật Bảo hiểm Xã hội 2014 có những quy định về thời gian và chế độ khám thai dành cho LĐ nữ, cụ thể như sau:
- Trong suốt thai kỳ, LĐ nữ được xin nghỉ phép để đi khám thai 05 lần. Mỗi lần 01 ngày. Nếu sinh sống và làm việc ở xa các cơ sở khám chữa bệnh hoặc có bệnh lý trong thai kỳ thì sẽ được nghỉ tới 02 ngày/lần khám thai.
- Điều 32 Luật Bảo hiểm Xã hội 2014 cũng quy định rõ về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đó là tính theo ngày làm việc, không tính các ngày nghỉ hàng tuần và lễ, Tết.
Mức hưởng tiền nghỉ những ngày đi khám thai được quy định rõ trong khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau: “Mức hưởng một tháng bằng 100% mức trung bình tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.”
Nếu LĐ nữ đóng BHXH chưa đủ 6 tháng thì mức hưởng chế độ khám thai được tính bằng trung bình tiền lương của các tháng đã đóng BHXH nhu sau: “Mức hưởng chế độ khám thai 1 ngày được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng/24 ngày.“
Theo những quy định nêu trên thì ta sẽ có công thức tính tiền thai sản cho LĐ nữ khi khám thai định kỳ cụ thể như sau:
Tiền thai sản = Số ngày mà người LĐ đã nghỉ x (100% mức tiền lương trung bình của 6 tháng đóng BHXH trước khi nghỉ khám thai/24) |
2.2 Chế độ trợ cấp 1 lần khi sinh con
Người LĐ cũng sẽ được hưởng mức trợ cấp một lần khi sinh con. Quyền lợi này đã được quy định rõ tại Điều 38 của Luật Bảo hiểm Xã hội 2014, cụ thể là:
- LĐ nữ sinh con hoặc nhận nuôi con dưới 06 tháng tuổi sẽ được hưởng trợ cấp 1 lần/1 bé bằng 2 lần mức lương cơ sở mỗi tháng.
- Trường hợp LĐ nữ sinh con nhưng chỉ có bố tham gia BHXH thì bố của bé sẽ được trợ cấp 1 lần bằng 02 lần mức lương cơ sở mỗi tháng/mỗi lần sinh con.
Tại khoản 2, Điều 3, Nghị định 38/2019/NĐ-CP có quy định rõ mức lương cơ sở của thời điểm hiện tại được áp dụng là 1.490.000 đồng.
Mức trợ cấp một lần sanh con = 1.490.000 đồng x 2 = 2.980.000 đồng. |
2.3 Chế độ thai sản trong thời gian sinh con
2.3.1. Đối với LĐ nữ sinh con
LĐ nữ khi sinh con thì thời gian hưởng chế độ thai sản sẽ được áp dụng theo khoản 1 Điều 34 Luật BHXH 2014, cụ thể đó là:
LĐ nữ sanh con sẽ được nghỉ làm việc và đồng thời hưởng chế độ thai sản trước + sau khi sinh con 6 tháng. Nếu sinh đôi trở lên thì từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi bé người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
Khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng quy định rõ về mức hưởng chế độ thai sản trong giai đoạn sanh con của các lao động nữ đó là:
Mức hưởng bảo hiểm thai sản 1 tháng = 100% mức trung bình tiền lương 6 tháng đóng BHXH trước khi nghỉ hưởng chế độ thai sản. |
Ví dụ 1: Cách tính bảo hiểm thai sản cho chị A sanh con ngày 16/3/2016, thời gian đóng BHXH là:
- Giai đoạn từ 10/2015 – 01/2016 (4 tháng) đóng BHXH lương cơ sở là 5 triệu đồng/tháng;
- Giai đoạn từ 02/2016 – 3/2016 (2 tháng) đóng BHXH lương cơ sở là 6.5 triệu đồng/tháng.
Suy ra, số tiền trung bình của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ mà chị A nghỉ thai sản đã đóng BHXH = ((5.000.000 x 4) + (6.500.000 x 2))/6 = 5.500.000 đồng/tháng
Do đó, số tiền hưởng thai sản của chị A sẽ là 5.500.000 đồng/tháng x 6 tháng = 33.000.000 đồng.
Ví dụ 2: Chị B sanh con ngày 01/5/2017 (do sức khỏe nên phải nghỉ việc để dưỡng thai có chứng nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền thì cách tính bảo hiểm thai sản như sau:
- Giai đoạn từ 5/2014 – 4/2016 (24 tháng) đóng BHXH lương 8.500.000 đồng/tháng;
- Giai đoạn từ 5/2016 – 8/2016 (4 tháng) đóng BHXH lương 7.000.000 đồng/tháng;
- Giai đoạn từ 9/2016 – 4/2017 (8 tháng), do sức khỏe yếu nên nghỉ dưỡng thai và không đóng BHXH.
Thì mức tiền lương trung bình tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ thai sản của chị B = ((7.000.000 x 4) + (8.500.000 x 2))/6 = 7.500.000 (đồng/tháng)
Số tiền mà sản phụ B được hưởng trong chế độ thai sản = 7.500.000 đồng/tháng x 6 tháng = 45.000.000 đồng.
Xem thêm: Nghỉ việc không lấy sổ bảo hiểm xã hội, bạn sẽ mất quyền lợi gì?
2.3.2. Trường hợp sinh con mà con mất
Tại khoản 3, Điều 34 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định rõ thời gian hưởng chế độ thai sản nếu sinh con nhưng con chết cụ thể như sau:
- Nếu sau khi sanh con, em bé chỉ dưới 02 tháng tuổi bị mất thì người mẹ được nghỉ hưởng thai sản 4 tháng tính từ ngày sanh con;
- Nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị mất thì người mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con mất và thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản không quá 6 tháng, bao gồm cả thời gian trước và sau khi sinh con;
2.3.3. Đối với LĐ nam có vợ sinh con
** Nghỉ chế độ thai sản trong thời gian 30 ngày kể từ ngày vợ sanh con:
Thời gian hưởng chế độ thai sản của các LĐ nam đang đóng BHXH và có vợ sanh con được quy định rõ tại Khoản 2, Điều 34 của Luật BHXH 2014 đó là:
LĐ nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:
- Nghỉ 5 ngày làm việc (không tính ngày nghỉ cuối tuần, lễ, tết);
- Nghỉ 7 ngày làm việc nếu vợ sinh con phải phẫu thuật hoặc là sanh non khi em bé chưa được 32 tuần tuổi;
- Nếu nam LĐ có vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc. Nếu sanh ba trở lên thì sẽ được nghỉ thêm 03 ngày làm việc/mỗi con;
- Nếu nam LĐ có vợ sinh đôi trở lên và phải phẫu thuật thì sẽ được nghỉ tới 14 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ và hưởng chế độ thai sản của LĐ nam sẽ được tính trong vòng 30 ngày, tính từ ngày người vợ sinh con.
Mức hưởng chế độ thai sản đối với LĐ nam có vợ sinh con được quy định tại điểm a và điểm b, khoản 1, Điều 39 của Luật BHXH 2014, cụ thể là: Mức hưởng BHXH 1 tháng = 100% trung bình tiền lương 06 tháng đóng BHXH trước khi nghỉ hưởng chế độ thai sản.
Nếu LĐ nam đóng BHXH chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản khi vợ sanh con sẽ bằng trung bình tiền lương của các tháng đã đóng BHXH trước đó. Mức hưởng 1 ngày chế độ thai sản của LĐ nam có vợ sinh con = mức hưởng chế độ thai sản theo tháng/24 ngày.
Ta sẽ có công thức tính tiền thai sản dành cho LĐ nam có vợ sinh con như sau:
Tiền thai sản của LĐ nam = Số ngày nghỉ x (100% mức tiền lương trung bình của các tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ hưởng chế độ thai sản /24) |
** Nếu LĐ nam hưởng chế độ thai sản của vợ:
Điều 39 Luật BHXH 2014 các khoản 4, 5, 6, 7 Điều 34 đã quy định rõ về trường hợp LĐ nam hưởng chế độ thai sản của vợ đó là:
1/Chỉ có người vợ tham gia BHXH nhưng vợ mất ngay sau khi sinh con thì chồng/cha của đứa trẻ là người trực tiếp nuôi dưỡng đứa trẻ sẽ được hưởng chế độ thai sản còn lại của người mẹ.
- Tiền thai sản 1 tháng = 100% mức trung bình tiền lương đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ hưởng chế độ thai sản của người vợ.
- Tiền thai sản 1 ngày (nếu có ngày lẻ) = Tiền thai sản của 1 tháng/30
2/ Cả vợ và chồng đều tham gia BHXH mà vợ mất ngay sau khi sinh con thì người chồng/cha của đứa trẻ sẽ được hưởng chế độ thai sản còn lại của người mẹ.
- Tiền thai sản 01 tháng = 100% mức trung bình tiền lương của 06 tháng đã đóng BHXH trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người cha.
- Tiền thai sản 1 ngày (nếu có ngày lẻ) = Tiền thai sản tháng/30
3/Nếu chỉ có mẹ tham gia BHXH nhưng chưa đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định của BHXH mà con mất sau khi sinh thì bố hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng đứa bé sẽ là người được hưởng chế độ thai sản của mẹ cho đến khi đứa bé đủ 6 tháng tuổi.
- Tiền thai sản 1 tháng = 100% trung bình tiền lương 06 tháng đóng BHXH của người mẹ trước khi nghỉ thai sản.
- Tiền thai sản 1 ngày (nếu có ngày lẻ) = Tiền thai sản 1 tháng/30
4/Cả bố và mẹ đều tham gia BHXH nhưng mẹ chưa đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản mà con mất thì bố sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho tới khi đứa bé đủ 6 tháng tuổi.
- Tiền thai sản 01 tháng = 100% trung bình tiền lương 06 tháng đóng BHXH trước khi nghỉ hưởng thai sản của người cha.
- Tiền thai sản 1 ngày (nếu có ngày lẻ) = Tiền thai sản 1 tháng/30
5/ Chỉ có bố bé tham gia BHXH còn người mẹ mất sau khi sinh con hoặc gặp một số rủi ro sau khi sinh dẫn đến không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con thì người bố sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đến khi con đủ 6 tháng tuổi.
- Tiền thai sản 1 tháng = 100% trung bình tiền lương 06 tháng đóng BHXH trước khi nghỉ hưởng chế độ thai sản của người bố.
- Tiền thai sản 1 ngày (nếu có ngày lẻ) = Tiền thai sản 1 tháng/ 30
Lưu ý: Nếu người bố có thời gian tham gia BHXH chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản sẽ được tính bằng mức trung bình tiền lương tháng của các tháng mà người bố đó đã đóng BHXH.
3. Chế độ dưỡng sức sau sinh
Ngoài các chế độ nêu trên thì những lao động nữ khi sinh nở còn được hưởng chế độ dưỡng sức sau sanh.
Thời gian hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh được quy định rõ tại khoản 1 và khoản 2, Điều 41 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cụ thể là:
- LĐ nữ sau thời gian hưởng chế độ thai sản trong vòng 30 ngày đầu tiên khi làm việc trở lại mà có sức khỏe chưa phục hồi được thì sẽ được nghỉ dưỡng sức sau sinh từ 5 – 10 ngày.
- Thời gian nghỉ dưỡng sức sau sanh bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ cuối tuần. Nếu là cuối năm trước chuyển tiếp sang năm sau thì thời gian nghỉ dưỡng sức sau sinh sẽ được tính cho năm trước.
- Số ngày mà người LĐ nữ được nghỉ dưỡng sức và phục hồi sức khỏe sau sinh sẽ được đơn vị sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định. Theo đó, tời gian nghỉ dưỡng sức cụ thể là:
+ Nghỉ tối đa 10 ngày nếu LĐ sinh 01 lần từ 02 con trở lên;
+ Nghỉ tối đa 07 ngày nếu LĐ nữ sinh con phải phẫu thuật;
+ Tối đa 05 ngày với những trường hợp khác.
- Mức hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh 1 ngày = 30% mức lương cơ sở. Công thức tính cụ thể là:
Tiền dưỡng sức sau sanh = Số ngày nghỉ dưỡng sức của người LĐ x 30% x 1.490.000 đồng |
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo một số tin đăng tuyển dụng việc làm ngay tại website Muaban.net |
Bên trên là chia sẻ của Mua Bán về chế độ thai sản cũng như cách tính bảo hiểm thai sản và các chế độ mà người lao động có thể được hưởng khi sinh con. Hy vọng bài viết đã cung cấp đến bạn những thông tin thực sự hữu ích. Đừng quên liên hệ ngay Muaban.net để tìm hiểu thêm về các thông tin nóng hổi khác liên quan đến công việc, cuộc sống nhé.
Nguồn: Thư viện Pháp Luật
Xem thêm ngay: Cách tính bảo hiểm thất nghiệp. Hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ để hưởng BHTN