Bày mâm cúng giỗ hàng năm là cách để tỏ lòng thành kính, thể hiện sự hiếu thuận của con cháu với ông bà tổ tiên. Vì thế cách bày mâm cúng giỗ hợp lý, không quá cầu kỳ nhưng thể hiện được tấm lòng con cháu được nhiều người quan tâm. Hôm nay các bạn hãy cùng Mua Bán tìm hiểu cách bày mâm cúng giỗ tại cả 3 miền đất nước hiện nay.
Ý nghĩa của ngày cúng giỗ
Theo quan niệm của người xưa, ông bà tổ tiên sau khi mất dù đã lâu những vẫn sẽ ở bên cạnh, dõi theo con cháu của mình và giúp đỡ chúng mỗi khi khó khăn ập đến trong cuộc sống. Vì vậy, ngày cúng giỗ được hình thành để các thành viên trong gia đình bày tỏ lòng thương xót, tưởng nhớ đối với người đã khuất, con cháu tuyệt đối không được quên.
Ngày cúng giỗ ông bà tổ tiên còn là một dịp để con cháu, họ hàng và các thành viên trong gia đình sum họp, gắn kết tình cảm. Không chỉ các họ hàng gần mà con cháu công tác xa quê cũng chờ ngày này để về bên gia đình. Tùy vào điều kiện tài chính mỗi nhà mà cách bày mâm cúng giỗ có thể linh đình hay đơn giản, quan trọng nhất vẫn là lòng thành.
Rõ ràng người Việt rất coi trọng ngày cúng giỗ ông bà. Trước ngày tổ chức cúng, đại gia đình sẽ tề tựu và cùng nhau bàn bạc kỹ càng về thực đơn và cách bài trí mâm cỗ. Không biết xuất hiện từ khi nào nhưng tục cúng giỗ ông bà đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt từ bao đời nay, cha truyền con nối theo văn hóa phương Đông.
>>> Xem thêm: Ý nghĩa của việc cúng cô hồn. Bái cúng cô hồn hàng tháng
Phân loại các ngày cúng giỗ
Cách bày mâm cúng giỗ sẽ có đôi phần khác biệt tùy theo loại ngày cúng, cụ thể là cúng 49 ngày, cúng 100 ngày, cúng đám giỗ đầu và cúng đám giỗ thường.
Cúng giỗ 49 ngày
Tính từ ngày người thân mất cho đến ngày 49, gia đình cần thực hiện việc cúng lễ thường xuyên và đầy đủ hàng ngày, gồm các thứ như mâm cơm, món mặn, hoa quả và hương nến trên bàn thờ. Ở ngày thứ 49, gia chủ sẽ thực hiện cách bày mâm cúng giỗ như sau:
- Mâm lễ cúng giỗ trong nhà và cúng giỗ ngoài mộ: chủ yếu là các món cúng dễ chế biến như gà luộc cánh tiên, xôi và các món chay mặn khác nhau tùy theo cách làm mâm cơm cúng giỗ riêng biệt của mỗi miền Bắc, Trung, Nam.
- Hoa quả bánh kẹo được bày biện gọn gàng, sạch sẽ.
- Các loại tiền vàng mã, hình nhân và sớ cúng giỗ.
- Bài văn khấn nôm cho 49 ngày và bài cúng giỗ tại nhà.
Đối với cúng 49 ngày, gia chủ sẽ cúng trong nhà trước rồi mới tiến hành ngoài mộ, đọc văn khấn cáo giỗ và hóa vàng ngay cạnh mộ. Chỉ có như vậy thì người đã khuất mới nhận được tín vật do người thân gửi xuống.
Ở trong nhà, nếu làm một cách đơn giản thì gia chủ sẽ đứng trước bàn thờ và đọc văn khấn cho người đã khuất, hết 3 tuần hương thì gia chủ có thể hạ lễ mời khách ăn cỗ. Có gia đình tổ chức linh đình hơn, mời các vị sư thầy trong chùa đến để tụng kinh siêu thoát cho người đã khuất rồi mới hạ lễ.
Cúng giỗ 100 ngày
Cách bày mâm cúng giỗ 100 ngày đơn giản hơn so với cúng giỗ 49 ngày và các ngày giỗ khác. Lễ vật cúng cũng tương tự như 49 ngày, chỉ có điều không mời khách ăn uống mà chỉ hạ lễ cho con cháu nhận lộc.
Cách thức cúng lễ cũng khá đơn giản, gia chủ ăn mặc chỉnh tề trang nghiêm, còn con cháu gia đình đứng phía sau chắp tay lễ 3 vái để gia chủ đọc văn khấn. Sau khi khấn xong thì lễ tạ 4 lễ là hoàn thành nghi thức.
Cúng đám giỗ đầu
Cách bày mâm cúng giỗ đầu cũng rất quan trọng, không kém gì cúng giỗ 49 ngày do đó được gia đình và địa phương chuẩn bị kỹ càng. Lễ vật mà gia chủ cần chuẩn bị là mâm cơm cúng gồm xôi, gà, 2 món mặn, 2 món canh, hoa quả và hương nến, tiền vàng, quần áo giấy, ngựa giấy, hình nhân,…
Bên cạnh đó, vì là ngày giỗ đầu nên gia chủ dù điều kiện gia đình thế nào cũng cần chuẩn bị một vài mâm cơm để mời khách. Khách tham dự nếu có lòng sẽ tự đặt lễ cho người đã khuất. Thông thường trước ngày giỗ 1 ngày, gia chủ sẽ bày mâm lễ mời người mất và gia tiên về dự lễ, ngày hôm sau mới chính thức tổ chức đám giỗ.
Cúng đám giỗ thường
Cúng đám giỗ thường sẽ được tổ chức hàng năm, còn được gọi là lễ cúng giỗ 3 năm sau khi mất, do đó quy mô của cúng giỗ thường nhỏ gọn và đơn giản hơn nhiều so với cúng giỗ 49 hay cúng giỗ đầu, quan trọng là tấm lòng của con cháu. Đám giỗ thường sẽ chia thành 2 ngày, 1 ngày trước ngày giỗ gọi là lễ tiên thường, ngày hôm sau là lễ chính kỵ.
Trong ngày tiên thường, gia chủ chuẩn bị mâm lễ vật đã sắm sửa đầy đủ, đứng nghiêm chỉnh chắp tay lễ 3 lần rồi đọc văn khấn mời gia tiên trước, rồi tiếp đến mới mời người đã mất về dự lễ chính kỵ vào hôm sau. Đọc xong văn khấn thì lễ 3 lễ để kết thúc.
Trong ngày lễ chính kỵ thì gia chủ tiến hành khấn mời người đã mất trước, rồi mới mời tổ tiên về dự lễ, sau 3 tuần hương thì hạ lễ để con cháu nhận lộc. Tuy cùng một ngày giỗ nhưng cách bày mâm cúng giỗ và thực đơn sẽ có đôi phần khác nhau ở các vùng miền trên cả nước.
>>> Xem thêm: Cúng thí thực cô hồn là gì? Những điều cần lưu ý khi cúng thí thực cô hồn
Cách bày mâm cúng giỗ 3 miền
Do tập quán và văn hóa ẩm thực mỗi vùng miền đều có những nét đặc sắc riêng, vì thế cách bày mâm cúng giỗ 3 miền cũng có những điều khác biệt. Nhưng hầu hết đều là những món ăn đặc sản, quen thuộc của vùng đó và có cả những món mà người đã khuất rất thích.
Miền Bắc
Cách bày mâm cúng giỗ miền Bắc chủ yếu là những món ăn quen thuộc, gần gũi với người dân tại đây, mâm cúng có thể được trang trí bày biện thêm cho phần đẹp mắt và trang trọng. Dưới đây là những món ăn bạn sẽ bắt gặp trong các mâm cỗ miền Bắc:
- 1 bát cơm trắng, 1 đĩa xôi gấc hay xôi sen dừa.
- Xôi vò, chè bưởi.
- Hộp bánh dầy đậu 6 chiếc.
- Chả quế.
- Thịt lợn quay hoặc bê thui.
- Giò lụa, giò mỡ, giò bì.
- Giò heo hầm măng khô, mộc nhĩ.
- Gà luộc.
- Nem dê.
- Tôm sú, tôm càng rim.
- Lòng gà xào giá, đậu ve hoặc su hào.
- Xương lợn nấu chuối.
- Nộm măng.
- Chả đa nem rán giòn.
Miền Trung
Người miền Trung rất cầu kỳ trong việc chuẩn bị món ăn, đặc biệt dưới sự ảnh hưởng của cung đình Huế, cách bày mâm cúng giỗ miền Trung có vẻ ngoài bắt mắt, mang hơi hướng của Huế ngay từ khâu chuẩn bị. Dưới đây là những gợi ý của mâm cúng giỗ miền Trung:
- 1 đĩa thịt luộc và bát nước mắm gừng.
- Nộm gà với rau răm, kèm tiêu muối.
- 1 đĩa thịt lợn luộc và nước mắm tôm.
- 1 đĩa thịt heo quay.
- 1 đĩa thịt bò nướng.
- 1 đĩa nem cuốn lá ram.
- Cá chiên khúc.
- Tôm rim hoặc tôm rang.
- Vả trộn tôm.
- Canh khổ qua nhồi thịt.
- Canh bún nổi giò heo hoặc nấu với lòng gà, lòng vịt.
- Canh củ hầm thịt bò.
Xem thêm tin tức mới nhất về tuyển dụng việc làm bán thời gian tại Muaban.net
Miền Nam
Cách bày mâm cúng giỗ ở miền Nam khá đơn giản, chủ yếu là những món xào, hầm, luộc và kho. Dưới đây là danh sách một vài món ăn trong mâm cỗ miền Nam:
- Món kho: thịt lợn kho, cá lóc kho cùng nước dừa đậm đà hương vị.
- Món luộc: thịt ba chỉ luộc thái mỏng.
- Món hầm: thịt heo hầm, giò heo hầm măng tre Mạnh Tông.
- Món xào: tùy theo khẩu vị từng nhà mà có thể nấu các món xào chua, xào mặn kết hợp cùng các loại rau khác nhau. Thông thường mâm giỗ Việt Nam sẽ không có sự xuất hiện của các món thịt rừng.
Các loại mâm cúng giỗ
Tùy theo điều kiện kinh tế hay hoàn cảnh gia đình mà cách bày mâm cúng giỗ sẽ đơn điệu hay đặc sắc. Có nhà chỉ cúng bằng mâm chay do có truyền thống chay trường, có nhà chỉ cúng bằng các món ăn đơn giản, quan trọng là lòng thành.
Mâm cúng giỗ đơn giản
Đối với những nhà có điều kiện kinh tế không khá giả mấy thì cách bày mâm cúng giỗ đơn giản sẽ là lựa chọn tuyệt vời. Sau đây là thực đơn các món ăn đơn giản dễ làm với giá hạt dẻ cho các bạn:
- Thực đơn 1: giò heo chiên, xôi gấc, gỏi gà xé, miến xào thập cẩm, canh khoai tây nấu xương, chả giò.
- Thực đơn 2: salad trộn, xôi lạc, thịt gà luộc, thịt bê xào me, tôm hấp sả, nem rán, canh măng chua nấu vịt.
- Thực đơn 3: nộm thịt heo chua ngọt, xôi vò, thịt gà luộc, canh măng nấu xương, tôm tẩm bột chiên xù và lòng gà xào đậu.
Mâm cúng giỗ chay
Đối với những nhà có truyền thống chay trường hay theo đạo phật thì cách bày mâm cúng giỗ chay là lựa chọn hoàn hảo. Sau đây là các mon chay bạn có thể dùng cho mâm cỗ của mình, bạn có thể tùy ý lựa 5 – 7 món để tạo thành một thực đơn hoàn chỉnh:
- Chả nem chay.
- Giá xào đậu phụ.
- Đậu đũa luộc rưới sốt mè.
- Xôi gấc đậu xanh.
- Canh đậu hũ hẹ.
- Cơm gạo lứt chiên rong biển.
- Bún xào chay.
- Canh kiểm.
- Lẩu nấm chay.
- Rau củ kho.
- Canh rong biển hạt sen.
- Cơm sen cốm.
- Bánh xếp chay.
- Cà tím nhồi đậu phụ.
- Cuốn rau đậu hũ.
- Đậu sốt nấm.
- Ngó sen nhồi gạo nếp mật ong.
- Đậu phụ kho rau củ.
Lễ vật cúng giỗ cần chuẩn bị
Ngoài cách chuẩn bị mâm cúng giỗ tươm tất và đầy đủ, gia chủ cũng nên sắm thêm một số lễ vật khác để ông bà cảm nhận được lòng thành của con cháu:
- 1 mâm cơm cúng giỗ.
- Trái cây theo mùa còn tươi ngon, hình dáng đẹp mắt.
- Vàng mã, tiền giấy, hương nến, phẩm oản.
- Các bộ quần áo, tập tiền, xe cộ, nhà cửa và các thứ khác bằng giấy.
- Hình nhân bằng giấy.
- Văn khấn cúng giỗ
Ngày giỗ là một ngày lễ trọng đại của từng nhà do đó không được làm qua loa, có lệ hay không tổ chức. Những gia đình có kinh tế hạn hẹp thì không cần mâm cao cỗ đầy, thay vào đó chỉ cần đĩa xôi, đĩa thịt luộc hay tiền vàng dâng cúng là ông bà cũng vui lòng.
>>> Xem thêm: Cách thờ cúng ở phòng trọ, ở trọ có nên thờ cúng không?
Quy trình cúng giỗ
Ngoài biết cách chuẩn bị mâm cúng giỗ đầy đủ, hợp lý, mỗi gia chủ cũng cần tìm hiểu quy trình cúng giỗ chuẩn chỉnh để không phụ lòng ông bà, được tổ tiên phù hộ, tránh được những trắc trở trong cuộc sống. Dưới đây là 5 bước trong quy trình cúng giỗ đầy đủ.
Chuẩn bị mâm cỗ cúng
Mâm cúng sẽ được con cháu trong gia đình chuẩn bị cho người đã khuất, từ khâu đi chợ thu mua nguyên liệu đến khâu nấu nướng cho ra những món ăn đặc sắc. Đây cũng là khoảng thời gian để anh em, họ hàng trong nhà xích lại gần nhau hơn, chia sẻ trò chuyện với nhau nhiều hơn về cuộc sống thường nhật và cả công việc hàng ngày.
Bày biện mâm cúng
Đồ lễ sau khi chuẩn bị sẵn sàng thì sẽ được bày biện lên bàn, trên mâm và đặt trên bàn thờ tổ tiên. Người đại diện cho gia đình thường là con trưởng sẽ đứng ra dâng lễ và mời ông bà về hưởng thụ lễ vật.
Nghi thức cúng lễ
Sau khi thắp xong ba nén hương và cắm vào bát hương trên bàn thờ gia tiên, gia chủ sẽ vái ba vái và tiến hành đọc văn khấn. Nội dung của bài văn khấn sẽ nêu rõ tên tuổi ông bà, nơi an táng để chắc chắn mời đúng người về hưởng thụ lễ vật. Tấm lòng thành của con cháu sẽ được ông bà chứng giám và phù hộ cho con cháu được bình an và khỏe mạnh.
Hóa vàng
Sau khi nén hương đã cháy tàn hết, gia chủ sẽ mang tiền vàng và quần áo giấy đã chuẩn bị từ trước ra ngoài sân để đốt cho ông bà. Gia chủ cần lưu ý trong khi đốt thì nên mở cổng chính thật rộng để đón ông bà vào lấy lễ vật.
Khi đốt tiền vàng mã, gia chủ nên đốt cho thổ công táo quân hay thần đất thụ hưởng trước, sau đó mới lần lượt nêu tên của từng người đã khuất trong nhà để mọi người đến nhận lễ mà không tranh giành với nhau. Tốt nhất là gia chủ hãy ghi tên từng người lên lễ vật để người thân bên dưới có thể nhận đầy đủ mà không bị cướp bởi những vong linh khác.
Khi đốt tiền vàng, gia chủ cần lưu ý phải đốt cho cháy hết, tuyệt đối không để quần áo hay tiền vàng còn sót lại những mẩu vụn chưa cháy. Theo quan niệm dân gian, người âm chỉ nhận được phần đã cháy hết, tức tiền vàng và quần áo khi người thân nhận có thể không còn nguyên vẹn bởi một phần vẫn còn nguyên vẹn trên nhân gian.
Hạ lễ và thụ lộc
Tìm hiểu cách chuẩn bị mâm cúng giỗ, sau khi hoàn tất việc cúng giỗ ông bà tổ tiên, con cháu sẽ xin hạ mâm cơm cúng xuống để thụ hưởng. Nếu gia đình có anh em, con cháu đông đúc thì gia chủ sẽ chuẩn bị 4 – 5 mâm cơm những chỉ đặt một mâm cơm lên cúng.
Những mâm khác sẽ được đem lên khi đến giờ ăn cơm, tuy nhiên mọi người tuyệt đối không được ăn vụng hay ăn mâm cơm khác trước thời điểm cúng ông bà, vì điều này được xem là một hành vi bất kính.
Thời gian ăn uống, thụ hưởng sau khi cúng xong là khoảng thời gian mọi người được quây quần nên có ý nghĩa rất lớn. Cả đại gia đình sẽ được ngồi lại với nhau và chia sẻ những điều hay trong cuộc sống. Khi ra về, mọi người có thể chia sẻ cho nhau những phần đồ ăn khác như trái cây, bánh kẹo để cùng hưởng lộc từ ông bà gia tiên.
>>> Xem thêm: Cách cúng xe ô tô mới mua về và những lễ vật cần chuẩn bị?
Những điều cần lưu ý khi bày mâm cúng giỗ
Ngoài tìm hiểu cách bày mâm cúng giỗ đẹp mắt, thịnh soạn, bạn cũng cần lưu ý những điều sau để đảm bảo không làm phật lòng ông bà tổ tiên, rước họa vào thân, cụ thể:
- Tránh dâng mâm cúng chứa những món mà người đã khuất không thích hoặc kỵ ăn khi còn tại thế.
- Trước khi thắp hương, dâng mâm cúng giỗ lên ông bà, gia chủ và người nhà tuyệt đối không được nêm nếm và đụng thử các món ăn.
- Trên mâm cúng tránh bày biện các món gỏi sống hay có mùi hăng, tanh như tỏi thịt sống.
- Tránh sử dụng cá mè, cá trê, cá sông để chế biến các món ăn dâng cúng cho ông bà.
- Nên sử dụng đũa muỗng, chén dĩa còn mới và không bị sứt mẻ để làm cách bày mâm cúng giỗ. Nên chuẩn bị một bộ bát đũa riêng cho việc cúng bái thì càng tốt.
- Không sử dụng chén đũa đã qua sử dụng, còn bẩn để đặt lên mâm cúng, dễ bị ông bà quở mắng.
- Không sử dụng đồ ăn đóng hộp hay đồ ăn làm sẵn tại nhà hàng để đặt vào mâm cúng giỗ, không phù hợp khẩu vị ông bà.
Nếu bạn đã xem xong bài viết Cách bày mâm cúng giỗ ba miền Bắc – Trung – Nam đơn giản, Muaban.net hy vọng rằng bạn đã biết được cách để tạo ra một mâm cúng hợp ý ông bà tổ tiên và được phù hộ trong cuộc sống.
Ngoài ra bạn có thể kham khảo thêm những tin đăng về tìm việc làm, mua bán nhà đất, thuê phòng trọ,…. tại muaban.net. Chúc bạn tìm được những tin đăng phù hợp với nhu cầu của mình.
>>> Tham khảo thêm:
- Hướng dẫn vị trí đặt ảnh thờ cúng gia tiên chuẩn phong thủy
- Lễ nhập trạch là gì? Tham khảo mâm cúng nhập trạch đơn giản, đầy đủ lễ vật
- Cúng đất đai – Lễ cúng truyền thống đầy ý nghĩa đối với người Việt