Muaban.net tổng hợp bộ tài liệu đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Thái Nguyên nhằm giúp các em học sinh củng cố kiến thức và luyện tập để có kết quả thật tốt khi bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới. Với đáp án kèm theo sẽ giúp các em có thể ôn luyện một cách tốt nhất, tham khảo bộ đề ngay sau đây nhé!
1. Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Thái Nguyên năm 2023 có lời giải
1.1 Đề tham khảo số 1 trường THPT Sông Công- có đáp án
ĐỀ THI THỬ VÀO LỚP 10 2023 MÔN VĂN THPT SÔNG CÔNG
SỞ GDĐT THÁI NGUYÊN – TRƯỜNG THPT SÔNG CÔNG
THI THỬ TUYỂN SINH LỚP 10 NĂM HỌC 2023-2024 LẦN I
MÔN THI: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian giao đề)
- ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
Một lời nói đẹp, chân thành, có tính chất xây dựng niềm tin yêu chính là đóa hoa thơm ngát trong khu vườn văn minh của nhân loại.
Người xưa thường hay nhắc nhở: Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Ta vốn có sẵn một thứ tài sản rất quý báu, có thể làm cho những người sống bên cạnh an vui và hạnh phúc mà không phải tốn kém tiền bạc hay công sức, đó là lời nói dễ thương – ái ngữ. Đúng là bản chất của ngôn từ không thể nào diễn đạt hết những điều sâu sắc của tình cảm hay sự vô cùng của chân lý, nhưng nó thật sự cần thiết để tiếp sức cho nhau trong những lúc khó khăn. Những lời nói nhẹ nhàng và ấm áp được phát ra từ cõi lòng bình yên và thái độ kính trọng, không những tạo nên cảm giác dễ chịu, mà còn có thể xoa dịu và nâng đỡ người nghe rất nhiều. Khi ta biểu đạt ra ngoài bằng hành động hay lời nói phù hợp với những gì đang xảy ra trong tâm thì năng lượng của nó sẽ được khuếch đại lên gấp nhiều lần. Do đó một lời nói chân thành, truyền tải được năng lượng an lành, đích thực là liều thuốc bổ giúp nhau mau chóng hồi phục sức khỏe và tinh thần.
(Trích Hiểu về trái tim, Minh Niệm, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2016, tr.179)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1 (0,5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2 (0,5 điểm). Theo tác giả, những lời nói nhẹ nhàng và ấm áp được phát ra từ cõi lòng bình yên và thái độ kính trọng có ý nghĩa như thế nào?
Câu 3 (1,0 điểm). Nêu nội dung chính của đoạn trích trên?
Câu 4 (1,0 điểm). Qua đoạn trích, em rút ra bài học gì cho bản thân mình?
- LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm).
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 15- 20 dòng) về sự cần thiết phải giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ tiếng Việt ?
Câu 2 (5,0 điểm).
Những đêm rừng, nằm trên võng, mắt chỉ thấy tấm ni lông nóc, lúc nhớ con anh cứ ân hận sao mình lại đánh con. Nỗi khổ tâm đó cứ giày vò anh.
[…] Tôi hãy còn nhớ buổi chiều hôm đó – buổi chiều sau một ngày mưa rừng, giọt mưa còn đọng trên lá, rừng sáng lấp lánh. Đang ngồi làm việc dưới tấm ni lông nóc, tôi bỗng nghe tiếng kêu. Từ con đường mòn chạy lẫn trong rừng sâu, anh hớt hải chạy về, tay cầm khúc ngà đưa lên khoe với tôi. Mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được quà.
Sau đó anh lấy vỏ đạn hai mươi li của Mỹ, đập mỏng làm thành một cây cưa nhỏ, cưa khúc ngà thành từng miếng nhỏ. Những lúc rỗi, anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc. Chẳng hiểu sao tôi thích ngồi nhìn anh làm và cảm thấy vui vui khi thấy bụi ngà rơi mỗi lúc một nhiều. Một ngày, anh cưa được một vài răng. Không bao lâu sau, cây lược được hoàn thành. Cây lược dài độ hơn một tấc, bề ngang độ ba phân rưỡi, cây lược cho con gái, cây lược dùng để chải mái tóc dài, cây lược chỉ có một hàng răng thưa. Trên sống lưng lược có khắc một hàng chữ nhỏ mà anh đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Cây lược ngà ấy chưa chải được mái tóc của con, nhưng nó như gỡ rối được phần nào tâm trạng của anh. Những đêm nhớ con, anh ít nhớ đến nỗi hối hận đánh con, nhớ con, anh lấy cây lược ra ngắm nghía rồi mài lên mái tóc cho cây lược thêm bóng, thêm mượt. Có cây lược, anh càng mong gặp lại con. Nhưng rồi một chuyện không may xảy ra. Một ngày cuối năm năm mươi tám – năm đó ta chưa võ trang – trong một trận càn lớn của quân Mĩ – ngụy, anh Sáu bị hy sinh. Anh bị viên đạn của máy bay Mỹ bắn vào ngực. Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăng trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được, anh đưa tay vào túi, móc cây lược, đưa cho tôi và nhìn tôi một hồi lâu. Tôi không đủ lời lẽ để tả lại cái nhìn ấy, chỉ biết rằng, cho đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi cứ nhớ lại đôi mắt của anh.
– Tôi sẽ mang về và trao tận tay cho cháu.
Tôi cúi xuống gần anh và khẽ nói. Đến lúc ấy, anh mới nhắm mắt đi xuôi.
(Trích Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang Sáng, Ngữ văn 9, tập 1, NXB giáo dục Việt Nam, 2020, tr 199-200)X
Phân tích nhân vật ông Sáu trong đoạn trích trên. Từ đó, liên hệ với đoạn thơ dưới đây để làm rõ tình yêu thương của những người cha dành cho con
“ Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con”
(Trích Nói với con, Y Phương, Ngữ văn 9, tập 2, NXB giáo dục Việt Nam,2020, tr73)
ĐÁP ÁN ĐỀ THI TUYỂN SINH LƠP 10 MÔN VĂN THÁI NGUYÊN 2023
THPT SÔNG CÔNG
- ĐỌC HIỂU
Câu 1.
– Phương thức biểu đạt chính của văn bản là Nghị luận
(Hoặc: – Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là: Nghị luận)
Câu 2. Theo tác giả, những lời nói nhẹ nhàng và ấm áp được phát ra từ cõi lòng bình yên và thái độ kính trọng không những tạo nên cảm giác dễ chịu, mà còn có thể xoa dịu và nâng đỡ người nghe rất nhiều.
(Hoặc trích dẫn Những lời nói nhẹ nhàng và ấm áp được phát ra từ cõi lòng bình yên và thái độ kính trọng, không những tạo nên cảm giác dễ chịu, mà còn có thể xoa dịu và nâng đỡ người nghe rất nhiều.)
Câu 3.
– Nội dung chính của đoạn trích trên là:
+ Ý nghĩa và tác dụng của lời nói đẹp, chân thành.
+ Tác giả nhắn nhủ mọi người hãy sử dụng lời nói tốt đẹp, “dễ thương” để cho cuộc sống của ta và những người xung quanh trở nên vui vẻ, hạnh phúc.
Câu 4.
– Thí sinh chủ động đưa ra bài học/thông điệp cá nhân rút ra từ văn bản hợp lý.
– Bàn luận ngắn gọn/ nêu lý do lựa chọn về bài học/thông điệp đó: 0,5 điểm.
Dưới đây là một số gợi ý : cân nhắc, cẩn trọng lời nói khi giao tiếp/ trau dồi vốn ngôn ngữ của bản thân/ không nói những lời làm tổn thương người khác….
- LÀM VĂN
Câu 1.
- Đảm bảo thể thức đoạn văn
- Xác định đúng nội dung cần trình bày trong đoạn văn: về sự cần thiết phải giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ tiếng Việt.
- Triển khai nội dung đoạn văn thành các ý phù hợp, có sự liên kết chặt chẽ, lập luận tốt. Câu trả lời phải hợp lý và thuyết phục.
Có thể theo hướng: Tiếng nói dân tộc là sợi dây gắn bó xuyên suốt cả quá trình hình thành nhân cách, tâm hồn con người; tiếng nói là linh hồn, là bộ mặt riêng biệt và niềm tự hào sâu sắc của một quốc gia, dân tộc, việc giữ gìn tiếng nói dân tộc là bảo tồn lịch sử, lan tỏa và quảng bá vẻ đẹp của văn hóa dân tộc rộng khắp thế giới; giữ gìn và luôn thể hiện niềm tự hào về vẻ đẹp của tiếng nói dân tộc với bạn bè quốc tế chính là biểu hiện sâu sắc nhất của lòng tự tôn dân tộc chính đáng; giữ gìn được tiếng nói dân tộc tạo cơ sở và nền tảng vững chắc để tiến xa hơn đến sứ mệnh bảo vệ chủ quyền văn hóa, lãnh thổ đất nước…..
- Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ
- Chính tả, dùng từ, đặt câu:
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa
Câu 2.
- Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Trình bày đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Phần mở bài dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần thân bài được tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc của cá nhân.
- Xác định đúng vấn đề nghị luận:
Phân tích nhân vật ông Sáu trong đoạn trích trên (…)
Từ đó, liên hệ với đoạn thơ dưới đây(…) để làm rõ tình yêu thương của những người cha dành cho con
- Triển khai vấn đề nghị luận
– Chia vấn đề nghị luận thành các luận điểm phù hợp. Các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm đó; biết kết hợp giữa lí lẽ và dẫn chứng.
– Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau. Dưới đây là một số gợi ý:
c1. Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Quang Sáng, tác phẩm Chiếc lược ngà, nhân vật và vị trí đoạn trích.
c2. Phân tích nhân vật ông Sáu:
* Khái quát cảnh ngộ gia đình ông Sáu và tình yêu thương của ông Sáu dành cho con
– Đất nước có chiến tranh, ông Sáu đi chiến đấu khi con gái ( Bé Thu) chưa đầy một tuổi. Hai cha con chưa một lần được gặp mặt.
– Sau tám năm trời vào sinh ra tử, ông Sáu được về thăm nhà. Hạnh phúc và khao khát được ôm con vào lòng, những vết thẹo dài trên mặt khiến bé Thu ngây thơ, hồn nhiên một mực không nhận cha. Đến khi bé Thu nhận ra cha thì cũng là lúc ông Sáu phải chia tay con và gia đình để trở lại chiến trường. Ông Sáu ra đi với niềm xúc động và mang theo ước nguyện của con là một cây lược nhỏ …
* Nội dung đoạn trích: Vẻ đẹp của tình phụ tử
– Niềm hạnh phúc của người cha khi làm chiếc lược tặng con.
+ Luôn ghi nhớ lời con dặn vội vàng lúc chia tay “Ba về, ba mua cho con một cây lược nghe ba!”.
+ Không giấu được niềm vui, hạnh phúc khi tìm được khúc ngà (anh hớt hải chạy về, tay cầm khúc ngà đưa lên khoe với tôi. Mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được quà)
+ Tỉ mỉ làm chiếc lược bằng tất cả tình yêu thương (Những lúc rỗi, anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc)
+ Khắc lên chiếc lược tình yêu và nỗi nhớ con không nguôi (anh đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”, Những đêm nhớ con, anh ít nhớ đến nỗi hối hận đánh con, nhớ con, anh lấy cây lược ra ngắm nghía rồi mài lên mái tóc cho cây lược thêm bóng, thêm mượt)
– Sự hi sinh của ông Sáu:
+ Ông mất khi chưa kịp trao chiếc lược cho con, khi mới chỉ được gặp con duy nhất một lần trong đời.
+ Giây phút cuối cùng của cuộc đời, ông không dành cho mình mà cho con (Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăng trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được, anh đưa tay vào túi, móc cây lược, đưa cho tôi và nhìn tôi một hồi lâu.)
– Ý nghĩa của hình tượng chiếc lược ngà
+ Là tình yêu, nỗi nhớ và cả sự ân hận vì đã lỡ đánh con của ông Sáu.
+ Kỷ vật thiêng liêng, cầu nối giữa cha con ông.
+ Biểu tượng của tình cha con.
* Nghệ thuật.
– Ngôi kể thứ nhất, lời kể của một người đồng chí của ông Sáu, vì thế câu chuyện trở nên khách quan, chân thành, tự nhiên
– Ngòi bút miêu tả tâm lí tinh tế, chính xác.
– Tình huống truyện rất éo le, bất ngờ mà tự nhiên, cảm động; qua đó, phần nào nói lên sự ác liệt của chiến tranh.
– Lời văn cảm xúc, ngôn ngữ kể chuyện truyền cảm mang đậm chất địa phương Nam Bộ.
– Hình ảnh có tính biểu tượng.
* Đánh giá chung
– Đoạn trích thể hiện được sâu sắc tư tưởng, chủ đề của tác phẩm, đó là sự khẳng định ngợi ca tình phụ tử thiêng liêng như một giá trị nhân văn sâu sắc. Tình cảm ấy là cội nguồn, sức mạnh vượt lên sự hủy diệt tàn bạo của chiến tranh.
– Khơi gợi trong lòng bạn đọc tình cảm gia đình yêu thương và những bài học về lòng hiếu thảo.
c3. Liên hệ với đoạn thơ dưới đây để làm rõ tình yêu thương của những người cha dành cho con
– Liên hệ đoạn thơ trong bài Nói với con của Y Phương: Là lời dặn dò của người cha, mong con tin tưởng và vững bước trên con đường đời. Mong con sau này lớn khôn trưởng thành làm được những điều lớn lao, phải sống cao thượng, tự trọng để xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của quê hương.
– Nhận xét:
+ Cả hai đoạn trích đều thể hiện tình cảm yêu thương, tấm lòng vị tha, đức hi sinh cao cả một đời vì con của những người cha
+ Vẻ đẹp của tình cha con trong hai đoạn trích nói riêng và hai tác phẩm nói chung đã khẳng định tình cảm gia đình được hòa quyện, thống nhất, gắn bó chặt chẽ với tình yêu quê hương đất nước.
- Sáng tạo
Học sinh biết vận dụng lí luận văn học trong quá trình phân tích, đánh giá; biết so sánh với các tác phẩm khác, với thực tiễn đời sống để làm nổi bật vấn đề nghị luận; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.
- Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
Tải đề tham khảo số 1 trường THPT Sông Công- có đáp án: Tại đây |
1.2 Đề tham khảo số 2 trường THPT Lương Ngọc Quyến – có đáp án
Tải đề tham khảo số 1 trường THPT Lương Ngọc Quyến – có đáp án: Tại đây |
2. Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Thái Nguyên 2022 có lời giải
Xem đáp án và tải đề thi vào lớp 10 môn Văn Thái Nguyên 2022: Tại đây |
3. Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Thái Nguyên 2021 có lời giải
Xem đáp án và bộ 2 tải đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Thái Nguyên 2021: Tại đây |
4. Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Thái Nguyên 2020 có lời giải
Xem đáp án và bộ 2 tải đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Thái Nguyên 2020: Tại đây |
5. Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Thái Nguyên 2019 có lời giải
Xem đáp án và tải đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Thái Nguyên 2019: Tại đây |
Trên đây là bộ đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Thái Nguyên được Muaban.net tổng hợp mới nhất của năm 2023 và các năm gần đây. Chúc các em học sinh có kỳ ôn luyện hiệu quả và đạt kết quả cao.
Đừng qên theo dõi Muaban.net để cập nhật thêm nhiều tin tức bổ ích khác về tìm việc làm, bất động sản, phong thủy, ô tô, xe máy … và rất nhiều các lĩnh vực khác được đăng tải thường xuyên trên trang web!
Tham khảo tin tuyển dụng việc làm part-time dành cho HSSV: |
Xem thêm:
- Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Vĩnh Phúc 2023 (lời giải + PDF)
- Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Quảng Ngãi 2023 (lời giải + PDF)
- Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Ninh Thuận 2023 (lời giải + PDF)
- Bộ 10+ đề thi tuyển sinh lớp 10 môn toán TpHCM có lời giải