Chắc hẳn nhiều phụ huynh và học sinh lớp 7 đang tìm kiếm thông tin về đề thi khảo sát đầu năm lớp 7 môn văn. Đây thường là một phần quan trọng trong quá trình học tập, giúp đánh giá kiến thức của học sinh và chuẩn bị cho những kỳ thi quan trọng. Ngay bài viết dưới dây, Muaban.net gửi tới bạn bộ đề thi khảo sát đầu năm lớp 7 môn văn kèm đáp án, giúp các bạn có cái nhìn tổng quan về cấu trúc đề thi và ôn tập kiến thức thật tốt nhé!
I. Đề thi khảo sát đầu năm lớp 7 môn văn- Đề 1
Dưới đây là đề thi khảo sát đầu năm lớp 7 môn văn mà học sinh và phụ huynh nên tham khảo cụ thể như sau:
Đề thi khảo sát lớp 7 môn Văn
Câu 1: (2 điểm)
- Có mấy loại từ láy? Trình bày đặc điểm về nghĩa của từ láy?
- Xác định các từ láy trong đoạn văn sau và cho biết tác dụng của chúng.
Mưa đã ngớt. Trời rạng dần. Mấy con chim chào mào từ hốc cây nào đó bay ra hót râm ran. Mưa tạnh, phía đông một mảng trời trong vắt. Mặt trời ló ra, chói lọi trên những vòm lá bưởi lấp lánh.
Câu 2: ( 3 điểm)
Đọc câu văn sau và thực hiện các yêu cầu ở bên dưới:
Mẹ sẽ đưa con đến trường, cầm tay con dắt qua cánh cổng, rồi buông tay mà nói: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra”.
(Theo Ngữ văn lớp 7, tập 1, trang 7)
- Câu văn trên được trích trong văn bản nào? Ai là tác giả?
- Tìm 2 từ ghép đẳng lập có trong câu văn?
- Viết đoạn văn ngắn để lý giải thế giới kì diệu khi bước qua cánh cổng trường được thể hiện trong đoạn văn
- Nêu ý nghĩa của câu văn trên?
Câu 3:(5 điểm)
Phát biểu cảm nghĩ của em về một người thân mà em yêu quí (ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em…)
———-HẾT———
Đáp án đề thi khảo sát lớp 7 môn Văn năm 2023
Câu 1: (2 điểm)
a.
– Có hai loại từ láy: từ láy toàn bộ và từ láy bộ phận.
– Nghĩa của từ láy:
+ Nghĩa của từ láy được hình thành nhờ đặc điểm âm thanh của tiếng và sự hòa phối âm thanh giữa các tiếng.
+ Trong trường hợp từ láy có tiếng gốc thì nghĩa của từ láy có thể có những sắc thái riêng so với tiếng gốc như sắc thái biểu cảm, sắc thái giảm nhẹ hoặc nhấn mạnh,…
b.
– Các từ láy: râm ran, chói lọi, lấp lánh ( Sai một từ, thiếu hoặc thừa một từ – 0,15 đ)
– Tác dụng:
+ Khắc họa vẻ đẹp của cảnh vật sau cơn mưa: sinh động, chan hòa ánh sáng và tràn đầy sức sống.
+ Thể hiện tài quan sát, miêu tả của người viết.
Câu 2: (3 điểm)
- Văn bản: Cổng trường mở ra – Lý Lan.
- Từ ghép đẳng lập: can đảm, kì diệu.
- Viết đoạn văn ngắn đảm bảo:
* Hình thức : là một đoạn văn
* Ý nghĩa: Thế giới kì diệu là: thế giới của tri thức, của tình bạn, tình thầy trò, thế giới của ước mơ.
Câu 3: (5 điểm)
1. Yêu cầu chung:
– Viết bài văn hoàn chỉnh, bố cục 3 phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài.
– Biết vận dụng kĩ năng làm bài văn biểu cảm.
– Cảm xúc trong sáng, chân thành, tự nhiên, hợp lý.
– Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Trình bày sạch sẽ, rõ ràng.
2. Yêu cầu cụ thể
– Tình cảm trân trọng, yêu quý một người thân (ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em…)
a. Mở bài:
– Giới thiệu khái quát về người thân và tình cảm của em.
b. Thân bài
– Cảm xúc hình ảnh người thân (kết hợp tả, giới thiệu một vài đặc điểm về ngoại hình, tính cách)
– Cảm xúc nói về người thân gắn với những kỉ niệm (kết hợp đan xen kể kỉ niệm đáng nhớ về người thân để bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ)
– Ý nghĩa của tình thân trong hiện tại và tương lai.
c. Kết bài:
– Khẳng định lại cảm xúc, tình cảm của mình với người thân.
– Mong ước, hứa hẹn, nhắn nhủ (nếu có)
Đề thi khảo sát đầu năm lớp 7 môn văn – đề 1 tải về: TẠI ĐÂY |
Xem thêm: Tuyển tập 10 đề thi tin học lớp 6 cuối kì 2 có đáp án mới nhất 2023
Tham khảo từ nguồn vietjack.com
II. Đề thi khảo sát đầu năm lớp 7 môn văn – Đề 2
Dưới đây là bộ đề thi khảo sát đầu năm lớp 7 môn văn – đề 2 gồm 3 câu được thể hiện ngay bên dưới:
Đề thi khảo sát lớp 7 môn Văn – Đề 2
Câu 1: (3 điểm)
a. Tìm các từ ghép, từ láy có trong các đoạn văn sau:
“Nhìn bàn tay mảnh mai của em dịu dàng đưa mũi kim thoăn thoắt, không hiểu sao tôi thấy ân hận quá. Lâu nay, mải vui chơi bè bạn, chẳng lúc nào tôi chú ý đến em… Từ đấy, chiều nào tôi cũng đi đón em. Chúng tôi nắm tay nhau vừa đi vừa trò chuyện.
Vậy mà giờ đây, anh em tôi sắp phải xa nhau. Có thể sẽ xa nhau mãi mãi. Lạy trời đây chỉ là một giấc mơ. Một giấc mơ thôi.”
(Khánh Hoài – Cuộc chia tay của những con búp bê).
b. Văn bản “Cổng trường mở ra” của Lý Lan đã kết thúc như sau:
“ Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra”.
Lời kết này có ý nghĩa gì?
Câu 2: (2 điểm)
Cảm nhận của em về bài ca dao sau:
“Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát, Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng, bát ngát mênh mông.
Thân em như chẽn lúa đòng đòng Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.”
Câu 3: (5 điểm)
Mùa thu. Nắng như tơ vàng mật ong mới rót. Trời xanh ngăn ngắt. Gió hiu hiu nhè nhẹ. Lòng người cứ dìu dịu ngân ngân không biết thời khắc sáng trưa chiều. Cái nắng gay gắt của chàng trai mùa hạ đã nhường chỗ cho nàng thu; chú ve sầu ngưng kéo cây đàn vĩ cầm để so tơ uốn phím chuẩn bị cho mùa hè năm sau…
Lấy cảm xúc từ đoạn văn trên, em hãy viết một bài văn tả lại cảnh vào thu trên quê hương em.
———-HẾT———
Đáp án đề thi khảo sát lớp 7 môn Văn – Đề 2
Câu 1: (3 điểm)
a.
– Các từ ghép: bàn tay, mũi kim, ân hận, vui chơi, bè bạn, trò chuyện, anh em, giấc mơ.
– Các từ láy: mảnh mai, dịu dàng, thoăn thoắt, mãi mãi.
b.
Học sinh có thể có nhiều cách nêu ý nghĩa khác nhau nhưng đảm bảo có các ý sau:
– Câu nói của người mẹ vừa thể hiện sự động viên, khích lệ con hãy mạnh dạn, dũng cảm bước vào một chặng đường mới vừa gợi mở ra một thế giới mới tuyệt đẹp và khẳng định đó là thế giới của con.
– Thế giới kì diệu mà nhà trường mở ra là thế giới của tri thức khoa học, thế giới của những tình cảm trong sáng, thế giới của những hoài bão và ước vọng ngày mai…
– Người mẹ đã gửi gắm niềm tin và chắp cánh ước mơ cho con.
– Học sinh biết viết thành một đoạn hay nhiều đoạn văn hoàn chỉnh đảm bảo các ý nêu trên; câu văn mạch lạc, giàu cảm xúc; không sai lỗi chính tả.
Câu 2: (2 điểm)
* Học sinh có thể trình bày cảm nhận của mình bằng một đoạn văn hoặc nhiều hơn nhưng đảm bảo có các ý sau:
– Thể thơ lục bát biến thể, ngôn từ, nhịp điệu của dòng thơ sau lặp và đảo lại dòng lời thơ trước tạo ra hai vế đối xứng, cân đối.
– Hai câu đầu của bài ca dao vừa gợi ra không gian rộng lớn của cánh đồng lúa xanh tốt, sự giàu có của quê hương vừa gợi ra một tư thế say sưa ngắm nhìn, những rung động, những cảm xúc sung sướng tự hào trước sự “mênh mông bát ngát… bát ngát mênh mông” của cánh đồng lúa thân thuộc.
– Hai câu sau, với lối so sánh đậm đà, ý vị cùng hai tiếng “Thân em” quen thuộc đã gợi liên tưởng về hình ảnh cô gái làng quê với một vẻ đẹp duyên dáng, xinh tươi, một sức lực căng tràn hứa hẹn → Hình ảnh trẻ trung, khỏe khoắn, hồn nhiên của các cô gái Việt Nam.
Đọc bài ca dao, ta cảm thấy sự vương vấn, gắn kết, hoà quyện của hương quê, tình quê và thêm yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam.
– Học sinh biết viết thành một đoạn hay nhiều đoạn văn hoàn chỉnh đảm bảo các ý nêu trên; câu văn mạch lạc, giàu cảm xúc; không sai lỗi chính tả.
Câu 3: (5 điểm)
* Yêu cầu:
– Hình thức:
+ Bài văn có bố cục 3 phần, mỗi phần thực hiện một nhiệm vụ cụ thể.
+ Phần thân bài được tạo bởi những đoạn văn tả cảnh theo trình tự quan sát nhất định.
+ Biết vận dụng những kiểu câu, dấu câu, từ loại để miêu tả hợp lý, đặc biệt vận dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp tu từ làm nổi bật cảnh cần tả, tạo câu văn có hình ảnh, cảm xúc. Biết kết hợp giữa miêu tả và tự sự.
– Nội dung:
+ Nêu được đối tượng cần tả.
+ Tả được những đặc điểm tiêu biểu của cảnh vào thu.
+ Bày tỏ được tình cảm, cảm xúc chân thành với cảnh vật được tả.
* Dàn bài:
Giáo viên có thể căn cứ vào dàn ý sau để chấm điểm:
a. Mở bài:
– Giới thiệu cảnh mùa thu đến trên quê hương em.
– Nêu cảm nhận chung về cảnh vật trong thời khắc giao mùa (vào thu).
b. Thân bài:
– Tả khái quát cảnh vào thu trên quê hương em: thời gian, cảnh vật, không khí…
– Tả một số cảnh tiêu biểu làm nổi bật nét đặc trưng của mùa thu: ánh nắng, bầu trời, gió, cây cối, hương thơm …
+ Có thể chọn một vài hình ảnh tiêu biểu để tả kĩ: nắng sớm, bầu trời xanh ngắt, những cơn gió se lạnh, những làn sương mỏng manh giăng mắc trên đường thôn ngõ xóm, hương thơm ngào ngạt của những chùm trái chín…
– Cảm xúc cụ thể của bản thân khi được chứng kiến khoảnh khắc giao mùa tuyệt vời từ hạ sang thu.
c. Kết bài
– Nêu cảm nghĩ về cảnh được tả: yêu mến, gắn bó,…
Đề thi khảo sát đầu năm lớp 7 môn văn – đề 2 tải về TẠI ĐÂY. |
Xem thêm: Xem Và Tải Đề Thi Minh Họa Sử 2023 – 2024 Chính Thức Kèm Đáp Án
Tham khảo từ nguồn vietjack.com
III. Đề thi khảo sát đầu năm lớp 7 môn văn – Đề 3
Bộ đề thi khảo sát đầu năm lớp 7 môn văn với đề số 3 sẽ giúp bạn bám sát được bộ thi của bộ GD&DT:
Đề thi khảo sát lớp 7 môn Văn – Đề 3
Câu 1: (3 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:
Bố nhớ, cách đây mấy năm, mẹ đã phải thức suốt đêm, cúi mình trên chiếc nôi trông chừng hơi thở hổn hển của con, quằn quại vì nỗi lo sợ, khóc nức nở khi nghĩ rằng có thể mất con! Nhớ lại điều ấy, bố không thể nén được cơn tức giận đối với con […] Người mẹ sẵn sàng bỏ hết một năm hạnh phúc để tránh cho con một giờ đau đớn, người mẹ có thể đi ăn xin để nuôi con, có thể hy sinh tính mạng để cứu sống con!…
(Theo SGK Ngữ Văn 7, tập 1, trang 10)
- Đoạn văn trên trích trong văn bản nào? Của ai?
- Tìm 2 từ láy, 2 từ ghép đẳng lập có trong đoạn văn.
- Em cảm nhận được phẩm chất gì của người mẹ được nhắc đến trong đoạn văn? Từ đó em rút ra được bài học gì cho mình?
Câu 2: (2 điểm)
Anh em nào phải người xa
…
- Chép ba câu tiếp theo để hoàn chỉnh bài ca dao trên.
- Viết một đoạn văn (khoảng 3 đến 4 câu) trình bày ngắn gọn nội dung, ý nghĩa của bài ca dao em vừa chép.
Câu 3:(5 điểm)
Kỳ nghỉ hè luôn là điều mong chờ của tất cả các bạn học sinh bởi nó luôn gắn liền với những chuyến đi chơi, thăm bạn bè, người thân…với biết bao kỉ niệm.
Em hãy kể lại một kỉ niệm đáng nhớ của bản thân trong kì nghỉ hè vừa qua.
———-HẾT——–
Đáp án đề thi khảo sát lớp 7 môn Văn – Đề 3
Câu 1: (3 điểm)
a.
– Đoạn văn trên trích trong văn bản “Mẹ tôi”.
– Tác giả: Ét-môn-đô đơ A-mi-xi (Nếu HS chỉ ghi A-mi-xi vẫn cho điểm tối đa)
b.
– HS tìm được 2 trong các từ láy có trong đoạn văn: hổn hển, quằn quại, nức nở, sẵn sàng, đau đớn.
– Các từ ghép đẳng lập: lo sợ, tức giận.
c.
* HS có thể diễn đạt theo những cách khác nhau nhưng cần nêu được những phẩm chất chính của người mẹ:
– Yêu thương con tha thiết.
– Sẵn sàng hi sinh tất cả, kể cả mạng sống của bản thân để mong con được hạnh phúc.
=> Đó cũng là phẩm chất chung của phần lớn bà mẹ trên thế gian.
* Bài học: Phải biết yêu thương, kính trọng và hiếu thảo với cha mẹ…
Câu 2: (2 điểm)
a.
Học sinh chép chính xác bài ca dao như văn bản SGK Ngữ Văn 7, tập 1, trang 35.
Lưu ý: sai một từ thì trừ 0,25 điểm
b.
– Hình thức: Học sinh viết được đoạn văn hoàn chỉnh, không mắc lỗi chính tả, chữ viết sạch đẹp, rõ ràng.
– Nội dung: Bài ca dao đề cao tình anh em, nhắc nhở anh em phải đoàn kết, gắn bó, yêu thương nhau. Anh em đoàn kết sẽ mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc lớn cho cha mẹ. Đó cũng là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta
(HS có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau, nhưng nêu đúng nội dung vẫn cho điểm tối đa)
Câu 3: (5 điểm)
I. Yêu cầu về kĩ năng
– Viết bài văn hoàn chỉnh, bố cục 3 phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài.
– Biết vận dụng kĩ năng làm bài văn tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm.
– Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt trôi chảy; văn viết có cảm xúc chân thành, tự nhiên, hợp lý. Biết sử dụng các biện pháp tu từ trong bài văn.
– Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu
– Trình bày sạch sẽ, rõ ràng.
II. Yêu cầu về nội dung
* Kỉ niệm đáng nhớ: có thể là kỉ niệm vui hoặc kỷ niệm buồn, hoặc kỷ niệm cho em một bài học sống…gắn với chuyến thăm quan du lịch, gặp gỡ bạn bè, về quê thăm ông bà
a. Mở bài:
– Giới thiệu chung về hoàn cảnh dẫn đến kỉ niệm. (Sự việc ấy diễn ra ở đâu? Khi nào? Với ai?)
– Cảm xúc chung của em về kỉ niệm đó.
b. Thân bài:
Kể diễn biến của sự việc.
– Kể theo trình tự thời gian: Sự việc mở đầu, sự việc phát triển, sự việc cao trào (Diễn biến của sự việc? Tâm trạng của em? Điều làm cho em ấn tượng nhất?…)
– HS có thể kết hợp trình tự thời gian, không gian, hoặc kể theo trình tự ngược thông qua hồi tưởng.
c. Kết bài:
– Kết quả của sự việc.
– Ý nghĩa và bài học em rút ra cho bản thân.
– Mong ước, hứa hẹn, nhắn nhủ (nếu có).
(Lưu ý: Với đề này, HS được tự do lựa chọn kỉ niệm trong dịp hè để kể, do đó không có hướng dẫn cụ thể, chỉ hướng dẫn chung. Vì vậy, khi chấm, GV cần căn cứ vào bài làm cụ thể của HS để đánh giá phù hợp, đảm bảo công bằng, khách quan.)
Đề thi khảo sát đầu năm lớp 7 môn văn – đề 3 tải về TẠI ĐÂY. |
Tham khảo từ nguồn vietjack.com
IV. Tổng hợp 10+ đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 7 môn Văn
Dưới đây là bộ đề thi khảo sát đầu năm lớp 7 môn văn qua các năm được Muaban.net tổng hợp:
Tổng hợp 10+ đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 7 môn văn tải về TẠI ĐÂY. |
Phía trên là tổng hợp bộ đề thi khảo sát đầu năm lớp 7 môn văn mà Muaban.net đã tổng hợp được. Hy vọng qua bài viết này, các bạn sẽ có cho mình các bộ đề thi khảo sát đầu năm lớp 7 môn văn và bám sát được kiến thức. Ngoài cung cấp về các đề thi khảo sát đầu năm lớp 7 môn văn, môn toán,… Muaban.net còn có các tin đăng về tìm việc làm, bất động sản,… mà bạn có thể tham khảo thêm. Đừng quên truy cập nhé.
Xem thêm:
- Mẹo học lịch sử 12 thi THPT Quốc Gia ghi nhớ lâu
- Đề thi minh họa môn Tiếng Anh THPT Quốc Gia 2023 Có Đáp Án
- Đề thi minh họa Hóa 2023 THPT Quốc gia kèm Đáp Án Chi Tiết