Nếu bạn muốn thưởng thức những món mứt lạ miệng, ngon ngọt thì mức tắc là lựa chọn tuyệt vời dành cho bạn. Mức tắc không chỉ có hương vị chua ngọt, mềm dẻo mà còn có rất nhiều công dụng đối với sức khỏe. Hãy cùng Mua Bán học ngay cách làm mứt tắc để chiêu đãi gia đình, bạn bè trong dịp lễ Tết nhé!
I. Công dụng tuyệt vời của trái tắc (quất) bạn nên biết
- Trái tắc là loại thực phẩm giàu chất xơ rất có lợi cho sức khỏe. Chỉ với 100g tắc, bạn đã cung cấp được khoảng 4.1g chất xơ, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Ngoài ra, chất xơ có trong quả hỗ trợ làm giảm mức cholesterol bằng cách tăng mức độ bài tiết của chất này ra khỏi cơ thể.
- Theo một số nghiên cứu, bên trong quả quất có chứa hàm lượng tinh dầu, đường pectin và nhiều loại vitamin khác nhau nên rất có ích trong việc kháng viêm, long đờm, giảm ho.
- Đặc biệt, trái tắc rất giàu vitamin A và C, có công dụng rất quan trọng để bảo vệ cơ thể khỏi một số bệnh do các loại vi khuẩn và virus gây ra. Ngoài ra, còn giúp tăng cường các hoạt động của các tế bào tiêu diệt tự nhiên và giảm căng thẳng trao đổi chất trong cơ thể.
Xem ngay tin đăng việc làm lương cao, uy tín, chất lượng tại Muaban.net
II. 4 cách làm mứt tắc – món ăn vặt yêu thích ngày Tết
1. Cách làm mứt tắc nguyên trái không cần nước vôi với phèn chua (cho 3 người ăn)
Phèn chua và nước vôi trong có công dụng làm giảm vị chát, vị đắng và làm tăng độ dẻo của vỏ trái tắc sau khi sên với đường. Tuy nhiên, nếu bạn không thích dùng 2 chất trên, có thể dùng nguyên liệu thay thế là muối ăn như công thức dưới đây, để làm giảm bớt mùi vị chua, đắng và rút ngắn thời gian chế biến.
1.1 Nguyên liệu
- Trái tắc tươi: 1kg
- Đường cát trắng: 800g
- Muối ăn (muối bọt hoặc muối cục đều được): 300g
Lưu ý khi chọn nguyên liệu
Đối với trái tắc:
- Lựa chọn trái tắc loại to và vừa chín tới, không nên chọn những trái tắc non hoặc quá xanh sẽ ảnh hưởng đến mùi vị thơm ngon của mứt.
- Nên kiểm tra tắc trước khi chế biến để loại bỏ những trái tắc hư, úng, có mùi nặng. Chọn những quả tắc có da láng mịn, to tròn căng bóng không xù xì.
Đối với đường cát trắng:
- Nên lựa chọn đường loại hạt nhỏ để dễ tan chảy và thấm đều bề mặt trái tắc. Lựa chọn loại đường có độ trắng tinh để gia tăng sự hấp dẫn của mứt.
- Tùy theo khẩu vị gia đình, bạn có thể gia giảm lượng đường theo ý muốn.
1.2 Các bước chế biến
Bước 1: Sơ chế trái tắc
Những trái tắc xanh sẽ có lớp vỏ bên ngoài đắng hơn so với tắc chín. Thế nên, để làm mứt không bị đắng, sau khi rửa sạch, bạn dùng dao lam gọt nhẹ lớp vỏ xanh bên ngoài trái tắc.
Sau đó, bạn nên dùng dao nhỏ để dễ khía các đường dọc nối từ cuống trên xuống dưới trái tắc, dùng tay ép nhẹ vừa phải để loại bỏ phần nước chua và hột tắc. Để mứt tắc thành phẩm đẹp hơn, bạn nên cắt 8 cạnh đối xứng. Ngoài ra, sẽ giúp bạn vắt sạch nước tắc và hạt dễ dàng và tạo hình cho mứt tắc thêm đẹp hơn.
Bạn cho tắc vào nồi nước sôi và trụng sơ để loại bỏ mùi vị chua của tắc. Ở bước này, bạn nên cho muối đã được chuẩn bị vào trụng cùng với tắc để làm giảm mùi vị tinh dầu của vỏ. Sau đó, vớt ra và để ráo.
Bước 2: Ướp tắc với đường
Tắc sau khi đã được khử mùi xong, tiến hành ướp tắc với phần đường đã định lượng từ trước.
Thường xuyên trộn đều hỗn hợp để phần đường được thấm đều các vỏ bên ngoài và bên trong các múi tắc. Ngâm tắc với đường từ 7 – 8 tiếng để đảm bảo đường đã hoàn toàn tan chảy.
Bước 3: Sên mứt tắc
Sau công đoạn ướp đường, bạn bắt một chảo lên bếp (nên lựa chọn chảo chống dính để dễ dàng hơn trong việc sên mứt) và cho hỗn hợp tắc với nước đường vào. Công đoạn đầu sên mứt, bạn nên thường xuyên kiểm tra để đảm bảo mức lửa vừa phải, không quá lớn.
Trong quá trình sên mứt, nhớ dùng đũa đảo nhẹ nhàng, trở mặt miếng mứt, nấu đến khi nước đường sệt lại, miếng mứt trong màu hơn thì tắt bếp.
1.3 Thành phẩm cách làm mứt tắc
Sau khi đã sên mứt tắc xong, bạn đổ tắc ra khay hoặc ra mâm và tiến hành đem đi hong nắng. Thời gian phơi tắc thường kéo dài khoảng 1 tiếng rưỡi để tắc khô và dẻo hơn là được.
Trong quá trình hong khô, bạn nên trải đều tắc trên bề mặt khây để 2 bên bề mặt vỏ tắc sẽ được khô đều. Sau khi tắc đã ráo và trong lại, bạn có thể bảo quản mứt tắc ở ngăn mát tủ lạnh để sử dụng lâu hơn.
>>Xem thêm: Top 7 Cách Làm Mứt Me Nguyên Trái Chua Ngọt, Dẻo Ngon Khó Cưỡng
2. Cách làm mứt tắc mật ong với gừng (cho 3 người ăn)
Đây là loại mứt được nhiều người ưa thích nhất bởi không chỉ là món ăn. Khi kết hợp với mật ong và gừng sẽ là một sự hoàn hảo khi gia tăng thêm mùi vị ngọt ngào, chua cay. Điều này sẽ tạo cảm giác kích thích vị giác của người thưởng thức.
2.1 Nguyên liệu
- Trái tắc tươi: 1 kg
- Đường cát trắng: 800g
- Mật ong nguyên chất: 250 ml
- Vôi sống 20g hoặc nước vôi có sẵn 2 lít
- Gừng sắt sợi: 1 nhánh
2.2 Các bước chế biến
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Sơ chế tắc:
Cũng tương tự như cách sơ chế phía trên, tắc sau khi mua về bạn rửa sạch. Để đảm bảo mứt tắc không có vị quá nồng, tiến hành cạo sơ lớp vỏ bên ngoài đối với những trái có vỏ quá xanh.
Sau khi rửa sạch xong, khía tắc thành 5 đến 8 khía dọc theo thân tắc và chừa lại 2 đầu để tạo thành cánh hoa đẹp mắt. Sau đó, bạn ấn nhẹ hai đầu quả tắc để lược bỏ phần hạt, đối với những hạt sâu bên trong, bạn có thể dùng tăm để khêu ra, nếu còn hạt khi làm mứt tắc sẽ bị đắng nhé.
Bạn nên chú ý, không nên khía quá sâu hoặc quá nông, nếu khía quá nông thì khó lấy được hết hạt tắc hoặc khía quá sâu sẽ làm xấu đi hình dạng của tắc trong quá trình sên mứt.
- Làm nước vôi trong:
Nước vôi có công dụng giúp mứt trở nên mềm dẻo hơn, sánh quyện trong suốt đồng thời khử bớt mùi vị chua chát của nguyên liệu làm mứt. Cách chế biến nước vôi đơn giản, nhưng mất nhiều thời gian, vì vậy bạn nên chuẩn bị nước vôi trước 1 ngày làm mứt.
Đổ phần bột vôi đã chuẩn bị vào 1 lít nước sạch, sau đó để yên khoảng 8 tiếng để vôi lắng xuống hết. Khi đã đủ thời gian, bạn sẽ thấy trên mặt nước có lớp váng mỏng, bạn dùng khăn hoặc vải xô lược bỏ đi. Sau đó, lấy phần nước trong phía trên để ngâm tắc.
Một số nơi có bán sẵn nước vôi trong, nếu bạn không muốn mất nhiều thời gian có thể mua sẵn mà không cần ngâm bột vôi.
Bước 2: Khử mùi vỏ tắc
- Trái tắc sau khi đã được lấy hạt xong, tiến hành ngâm trong nước vôi trong khoảng 4 tiếng để khử mùi vị đắng, chát trong vỏ tắc. Nước vôi trong phải ngập qua hết phần tắc, nếu không vỏ tắc sẽ bị đen ở những nơi không có nước vôi trong.
- Sau đó, rửa sạch nhiều lần với nước để giảm bớt mùi vị của nước vôi trong và để tắc ráo nước.
Bước 3: Ướp đường và mật ong
- Tắc sau khi đã được khử hết mùi xong, cho vào ngâm cùng với đường và mật ong khoảng từ 1 – 2 tiếng để đường tan chảy hết.
- Trong quá trình ngâm tắc, có thể dùng đũa đảo đều tắc để đảm bảo các bề mặt của tắc đã được thấm hết phần nước đường và mật ong. Sau đó, tiến hành sên mứt.
Bước 4: Sên mứt tắc
- Bạn cho hỗn hợp mứt ngâm vào chảo lớn và vặn lửa vừa đủ, không quá lớn, tránh làm dễ cháy khét nước đường.
- Trong quá trình sên tắc, thường xuyên đảo đều, để tránh làm mứt tắc bị vỡ, có thể không dùng đũa để sên tắc, bạn có thể nghiêng chảo qua lại để tắc thấm đều.
- Khi thấy đường đã có độ dẻo và bám vào tắc thì cho phần gừng đã thái sợi ban đầu vào. Sau đó, tắt bếp và để nguội.
2.3 Thành phẩm cách làm mứt tắc mật ong với gừng
- Mứt tắc sau khi sên xong, bạn đổ ra khay và trải đều trên bề mặt. Sau đó, phơi ngoài nắng khoảng 1 đến 2 tiếng cho tắc ráo lại và có độ trong hơn.
- Nếu bạn có lò nướng bánh, hoặc nồi chiên không dầu, có thể để khay tắc vào và vặn với nhiệt độ từ 60 đến 70 độ trong khoảng 1 tiếng, đến khi nào tắc đã mềm, dẻo là được. Trong quá trình hong khô tắc, thường xuyên trở mặt để mứt được khô đều.
3. Cách làm mứt tắc rim muối ớt (cho 3 người ăn)
Nếu bạn đã nhàm chán với mùi vị mức tắc truyền thống, có thể thử ngay cách làm mứt tắc rim muối ớt. Cách làm đơn giản như cách truyền thống, thời gian tương đối nhanh chóng, đặc biệt mùi vị thưởng thức rất tuyệt vời.
3.1 Nguyên liệu
- Trái tắc tươi: 1kg
- Đường cát trắng: 800 g (có thể gia giảm tùy theo khẩu vị gia đình bạn)
- Nước vôi trong: 1 lít
- Muối ớt
3.2 Các bước chế biến
Bước 1: Sơ chế tắc
Rửa sạch tắc để loại bỏ bụi, sau đó tiến hành ngâm tắc trong nước muối ăn để khử mùi vị chát của vỏ tắc khoảng 15 phút rồi vớt ra.
Bạn tiến hành khía tắc dọc từ trên cuốn xuống gần phần cuối của trái tắc, khoảng từ 6 – 8 khía sẽ làm cho trái tắc đẹp hơn khi thành mứt. Sau khi khía xong, bạn dùng tay ấn nhẹ để phần nước cốt tắc được chảy bớt ra, đồng thời bạn bỏ hết phần hạt tắc.
Bạn ngâm bột vôi với 1 lít nước, và để khoảng 8 tiếng để bột vôi lắng hết xuống phần đáy. Sau đó, lấy phần nước vôi trong phía trên ngâm tắc khoảng 3 – 4 tiếng.
Khi đã ngâm đủ thời gian, bạn vớt tắc ra, và tiến hành rửa nhiều với nước sạch để loại bỏ mùi của nước vôi trong. Sau đó bạn để tắc ráo nước.
Bước 2: Ngâm tắc với đường
Tắc sau khi đã được sơ chế xong thì bạn nên cân lại trọng lượng của chúng, theo đó bạn sẽ chia theo tỉ lệ cứ 1kg tắc thì dùng 800g đường để mứt có vị ngọt vừa phải, tùy theo khẩu vị gia đình bạn mà có thể gia giảm lượng đường cho phù hợp.
Sau đó, cho phần đường đã chuẩn bị ban đầu vào chảo, cho thêm một chút nước sôi để phần đường sau khi tan chảy không bị cháy khét dưới đáy nồi. Vặn lửa nhỏ đến khi đường đã tan chảy hết và sánh lại, bạn để tắc vào. Cách làm này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian không cần đợi đường tan chảy hết.
Sau khi đường đã tan chảy, bạn cho tắc vào để tiến hành sên tắc.
Bước 3: Sên tắc
Khi cho phần tắc vào, bạn xào đều tay tắc với đường và luôn vặn lửa vừa phải để đường không bị cháy. Bạn cho thêm khoảng 10 muỗng nước cốt tắc vào để điều chỉnh mùi vị của mứt tắc. Bạn có thể gia giảm tùy theo sở thích chua ngọt của bạn. Nếu bạn thích vị chua có thể để thêm 1 đến 2 muỗng.
Khi đã sên tắc được khoảng 40 phút, bạn thấy mứt tắc đã có độ sệt, dẻo nhẹ và có màu vàng nhẹ, bạn cho phần muối ớt vào. Và trộn đều để phủ muối khắp các bề mặt mứt tắc và tắt lửa.
3.3 Thành phẩm
Sau khi đã sên tắc xong, bạn trải đều tắc ra khay hoặc mâm và hơi dưới ánh nắng khoảng từ 1 đến 2 tiếng để tắc ráo đường lại và thường xuyên trở mặt để tắc được ráo đều 2 mặt. Sau đó, để vô hủ kín để bảo quản.
4. Cách làm mứt tắc xí muội cực nhanh (cho 3 người ăn)
Mứt tắc xí muội được nhiều bạn trẻ yêu thích vì mùi vị vô cùng đặc biệt, có sự pha trộn giữ vị chua ngọt tự nhiên của tắc cùng với vị ngọt thanh nhẹ của mật ong đã tạo nên một hương vị lạ miệng khi thưởng thức. Cách làm mứt tắc xí muội vô cùng đơn giản và nhanh chóng theo công thức dưới đây:
4.1 Nguyên liệu
- Trái tắc tươi: 1 kg
- Đường cát trắng: 500g (có thể gia giảm theo khẩu vị của gia đình)
- Mật ong: 5 muỗng cà phê
- 1 chút muối ăn
4.2 Các bước chế biến
Bước 1: Sơ chế tắc
Để làm mứt tắc xí muội, bạn nên ưu tiên lựa chọn những trái tắc chín vàng, căng bóng nhưng không nên chọn chín quá sẽ có mùi vị chua, đắng.
Tắc sau khi mua về, bạn rửa sạch vỏ với nước sạch nhiều lần để loại bỏ bụi bẩn. Sau đó, bạn chuẩn bị một bát to và một cái rây để lấy nước cốt tắc.
Bạn cắt đôi quả tắc ra phân nửa, sau đó lọc nước cốt tắc qua rây để loại bỏ hạt tắc. Cách này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian so với việc lọc hạt tắc trực tiếp.
Phần vỏ tắc sau khi đã vắt sạch nước, bạn tiến hành thái thành sợi mỏng, nhỏ hoặc có thể cắt thành những miếng vuông nhỏ tùy theo sở thích của bạn. Nếu vỏ tắc còn sót hạt tắc, không nên thái chung vì sẽ làm mứt tắc có mùi nồng, chát.
Bước 2: Ướp tắc với đường
Đem đường phèn đi xoay nhuyễn, sau đó cho phần nước cốt tắc đã vắt ở bước đầu vào đường phèn cùng với phần vỏ tắc đã thái nhỏ và bỏ thêm 5g muối tinh để điều chỉnh hương vị. Ở bước này, bạn cho tiếp 5ml mật ong vào cùng.
Bạn dùng đũa đảo đều hỗn hợp trên sao cho thấm đều vào sợi tắc, sau đó lấy màn bọc thực phẩm bọc kín lại hoặc có thể đựng trong hợp kín và cho vào ngắn mát tủ lạnh qua một đêm để bảo quản tắc ngâm được tốt hơn.
Bước 3: Sên mứt
Lấy hỗn hợp tắc trong tủ lạnh ra, và tiến hành sên mứt với lửa nhỏ.
Sên mứt trong thời gian từ 10 đến 15 phút, đến khi nào nước đường hơi kẹo lại và có mùi thơm thoang thoảng bạn tắt bếp.
Để mứt tắc xí muội nguội và cho vào trong hủ thủy tinh là đã hoàn thành xong mứt tắc xí muội thơm ngon, giải khát cho gia đình.
4.3 Thành phẩm
Mứt tắc xí muội sau khi thành phẩm sẽ có vị ngọt thanh nhẹ của mật ong và đường, một chút vị the mát và chua nhẹ tự nhiên của tắc.
Khi thưởng thức, bạn nên pha cùng với một chút nước ấm để nước đường tan ra một chút, cho thêm vài viên đá lạnh sẽ cho bạn một trải tuyệt vời.
III. Cách bảo quản mứt tắc lâu ngày mà vẫn giữ trọn vị ngon
Những món mứt thường được sên với đường, đặc biệt là mứt thường để một thời gian dài ngoài không khí sẽ có hiện tượng chảy đường, làm ảnh hưởng đến hương vị ban đầu của mứt. Vì vậy, với mứt tắc, bạn cần để ở những nơi khô ráo, nhiệt độ lí tưởng để bảo quản là nhiệt độ phòng hoặc để vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản được lâu hơn.
Để giữ trọn vị ngon của mứt tắc trong thời gian lâu, bạn nên để ở chỗ kín, ít tiếp xúc trực tiếp với không khí. Nếu nhà bạn có hũ, lọ thủy tinh có nắp đậy, bạn có thể bảo quản mứt tắc trong đó. Vừa trông thẩm mỹ hơn và vừa giữ được mùi vị mứt tắc như ban đầu.
Nếu bạn muốn tiếp kiệm, có thể đựng mứt tắc trong túi giấy, hoặc túi zip có khóa kéo ở trên để ngăn cho không khí vào bên trong. Điều này, sẽ giúp mứt tắc giữ trọn vị ngon và các dưỡng chất có ích như vitamin A, flavonoid trong thời gian 1 tháng.
Các loại mứt thường biến đổi mùi vị trong thời gian để bên ngoài lâu. Vì vậy, Mua Bán khuyên bạn nên cân đo số lượng làm mứt vừa đủ ăn trong khoảng 1 tháng trở lại để có thể thưởng thức vị ngon hoàn hảo của mứt.
IV. Lời kết
Với những thông tin vừa được chia sẻ phía trên, sẽ giúp bạn hiểu hơn về công dụng cũng như các công thức chế biến cách làm mứt tắc khác nhau. Mua Bán hy vọng bạn sẽ lựa chọn một cách làm phù hợp và làm thành công, để đa dạng thêm nhiều món bánh mứt thơm ngon, giàu dinh dưỡng cho gia đình. Ngoài ra, bạn có thể truy cập blog Mua Bán để biết thêm nhiều mẹo vặt món ăn cũng như kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày nhé!
>>Xem thêm
- Hướng dẫn 4 cách làm mứt rau câu dẻo ngon, đơn giản ngay tại nhà
- Mách Bạn 2 Cách Làm Mứt Đào Chua Ngọt, Dẻo Mềm, Đơn Giản Tại Nhà
- Món ăn truyền thống ngày Tết trong mâm cỗ người Việt